Dòng sự kiện:
Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Hạn chế nhũng nhiễu, hạch sách, tiện ích cho người dân
22/10/2018 14:00:19
Bộ Công an đang lấy ý kiến việc lựa chọn quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy hay bằng mã số định danh cá nhân. Các chuyên gia cho rằng, quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân là phương pháp hiện đại, cần thiết.

Mỗi năm tiết kiệm 1.600 tỷ đồng

Bộ Công an vừa công bố dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp. Trong đó, bộ Công an đưa ra hai phương án: Thứ nhất là giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu (bằng giấy) như hiện nay. Thứ hai là bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để thay thế sang hình thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo bộ Công an, nếu giữ nguyên sổ hộ khẩu thì sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này. Tuy nhiên, người dân sẽ tốn kém thời gian, công sức, chi phí khi làm thủ tục, còn Nhà nước sẽ phải duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh, lưu trữ khối lượng hồ sơ giấy tờ lớn, gây tốn kém.

Còn ở phương án hai, tức là quản lý theo số định danh cá nhân sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Khi làm thủ tục, người dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân, mà không phải mang theo cùng lúc nhiều loại giấy tờ. Vì vậy, theo tính toán của bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản, không phải sao, chụp hoặc chứng thực bản sao từ bản chính...

Ngay sau khi dự thảo đưa ra đã nhận được sự quan tâm của dư luận vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân là phương pháp hiện đại, cần thiết.

Xung quanh 2 phương án trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận: Việc quản lý cư trú đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công, quản lý trên giấy tờ là chính. Do quản lý thủ công nên giữa các ngành, các đơn vị chưa có sự kết nối với nhau. Việc giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước với công dân vẫn đang chủ yếu dựa vào chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu. Mỗi khi làm thủ tục hành chính, người dân lại phải khai các dữ liệu, in sao rất nhiều loại giấy tờ, thậm chí là đi lại vất vả hàng trăm km để về quê lấy dấu chứng thực... Có trường hợp phải xin nghỉ phép mấy ngày để đi làm sổ hộ khẩu, mất thời gian về quê cắt khẩu... Việc quản lý thủ công như vậy không còn phù hợp với xu thế hiện nay mà cần quản lý bằng phương pháp hiện đại, tiên tiến hơn. Phải áp dụng công nghệ thì mới tinh giản bộ máy hành chính và giảm phiền hà cho người dân.

Cần sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan

Đại biểu Bùi Văn Xuyền.

Tuy nhiên, cũng theo Đại biểu Bùi Văn Xuyền, khi xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải có sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị liên quan, để rà soát những trường hợp có sai sót nhằm đảm bảo các thông tin nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin chính xác nhất, đầy đủ nhất. Ngoài ra, cũng cần sửa đổi các luật liên quan như luật Hộ tịch vì theo ông Xuyền, luật Cư trú và luật Hộ tịch có gắn kết với nhau.

Cùng vấn đề có nên bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân, luật sư Nguyễn Bá Ngà (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Khó khăn duy nhất khi thực hiện công tác chuyển đổi này có lẽ là việc cơ quan lập pháp phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phải bảo đảm kinh phí cho việc sửa đổi văn bản pháp luật.

Nhưng, đổi ngược lại, kể từ thời điểm bỏ sổ hộ khẩu, thay thế bằng số định danh, người dân sẽ không phải tốn kém thời gian, công sức, chi phí khi làm các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp như hiện nay. Về phía Nhà nước sẽ tinh giản được bộ máy hành chính cồng kềnh, bỏ được vấn đề nan giải trong việc lưu trữ khối lượng hồ sơ giấy tờ lớn, gây tốn kém, lãng phí. “Điều này cũng phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, đồng bộ với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cư trú giảm chi phí người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả”, luật sư Ngà nói.

Cũng theo quan điểm luật sư Ngà, khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và CMND thì các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện... cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, CMND. Thậm chí trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú. Như vậy, sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và CMND, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, luật gia Trương Công Đức (Hà Nội) nêu quan điểm: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một nước có nền kinh tế năng động. Tuy nhiên, vấn đề về cải các thủ tục hành chính cần phải đẩy mạnh hơn nữa theo hướng đơn hóa, việc quản lý thông tin công dân của mình cần công nghệ hóa đồng bộ, điều đó sẽ tạo điều kiện cho Công dân thực hiện tốt các quyền của mình và không gây tốn kém cho việc lưu trữ, quản lý.

Việc dùng sổ hộ khẩu để quản lý hộ gia đình và cá nhân theo các truyền thống như hiện nay đã lỗi thời và không phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại gây nhiều phiền hà cho người dân. Có rất nhiều trường hợp khi người dân thực hiện các quyền cơ bản của mình thì sổ hộ khẩu nhiều lúc gây ra những khó khăn cho người dân, thậm chí các thủ tục liên quan đến hộ khẩu (xác minh, xác nhận, đính chính...) đã làm cho họ mất đi các quyền của mình vì các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu mang lại.

Hơn nữa, rất nhiều trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc, khâu lưu trữ theo cách truyền thống gặp nhiều khó khăn, nhiều người còn mất hết thông tin. Khi người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu hoặc tham gia vào các giao dịch bản chất là thực hiện quyền cơ bản công dân (chuyển nhượng nhà đất, kết hôn, tiến hành thủ tục ly hôn, tham gia mua nhà đất) nếu họ không có sổ hộ khẩu hoặc sổ hộ khẩu có sự sai sót do quản lý theo cách truyền thống như hiện tại thì họ không thực hiện được các quyền cơ bản của mình chỉ vì lý do thủ tục hành chính. Vì vậy bỏ sổ hộ khẩu, cải cách thủ tục hành chính cũng chính là việc nâng cao quyền con người – quyền công dân.

“Việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân là thực sự cần thiết, nó sẽ khắc phục được tất cả các vấn đề nêu trên, các thông tin được đồng bộ hóa lưu trữ đơn giản và trong công tác quản lý cũng dễ dàng hơn. Người dân thực hiện các thủ tục hành chính cũng đơn giản hơn rất nhiều, hạn chế sự nhũng nhiễu, hạch sách khi thực hiện các thủ tục hành chính”, luật sư Đức nói.

Đến 2020 Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ hoàn thành

Đại diện bộ Công an cho biết, đến năm 2020 bộ Công an sẽ hoàn thành việc triển khai cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để đưa vào khai thác sử dụng thống nhất trên toàn quốc. Sau khi xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ là bước tiến rất quan trọng, thay đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công, sổ sách sang quản lý bằng công nghệ hiện đại.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến