Dòng sự kiện:
Bộ Tài chính 'chốt' nợ công năm 2015 ở 61,3% GDP
31/12/2015 09:59:13
Bộ Tài chính cho biết, dự kiến nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, tăng so với con số 59,5% GDP vào năm 2014.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Báo cáo tại hội nghị tổng kết ngành tài chính diễn ra chiều ngày 30/12, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, tăng so với con số 59,5% GDP vào năm 2014.

Theo Bộ Tài chính, các chỉ tiêu khác như nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP. Năm 2015 được ngành tài chính đánh giá là đã đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn tới kinh tế vĩ mô.

Về cân đối ngân sách, bội chi ngân sách năm 2015 ở mức 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP, trong phạm vi Quốc hội quyết định. Đáng lưu ý, mặc dù giá dầu thô giảm mạnh khiến thu ngân sách từ dầu thô chỉ đạt 73,1% dự toán nhưng thu ngân sách cả năm vẫn vượt dự toán 5% nhờ tăng thu nội địa.

Quay trở lại với con số nợ công, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP), tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá, áp lực nợ đã bắt đầu đè nặng lên nợ công Chính phủ.

Một báo cáo được công bố tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam mới công bố hồi đầu tháng 12 cho thấy, nếu như các nền kinh tế thu nhập thấp thường có tỷ lệ nợ công giảm thì tại Việt Nam xu hướng này lại ngược lại. Nợ công và các khoản nợ do nhà nước đảm bảo gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000 và cao hơn mức trung bình trong khu vực và giữa các nền kinh tế có thu nhập thấp.

Việc tăng nợ công là kết quả của một nền tài chính lỏng lẻo, phản ánh thâm hụt ngân sách lớn và gần đây là khoảng trống về ngân sách. Tăng nợ công kéo theo chi thường xuyên cao hơn cùng thời kỳ trong khi nguồn vốn chi đầu tư vẫn hầu như không thay đổi, tính theo tỷ lệ GDP.

Một báo cáo của IMF đánh giá, kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, nợ công của Việt Nam đang nhanh chóng đến mức độ không an toàn (mức an toàn nên trong khoảng 40-50% GDP).

Theo báo cáo chuyên đề nợ công do Công ty chứng khoán Bảo Việt công bố cũng cho hay, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục với tốc độ khá nhanh, từ mức 51,7% năm 2010 lên mức 59,6% năm 2014 và ước tính sẽ đạt mức 64,3% trong năm 2017 (áp sát mức trần 65% mà Quốc hội cho phép).

Cũng theo nhận xét của BVSC, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang ở mức cao hơn khá nhiều so với một số nước khác, có điều kiện phát triển tương đồng trong khu vực. Điểm đáng chú ý là kể từ năm 2006, trong khi tỷ lệ này có xu hướng giảm dần hoặc khá ổn định tại các nước khác thì ở Việt Nam lại tăng khá rõ nét, điển hình giai đoạn từ năm 2009 cho đến nay, và khoảng cách đang dần nới rộng.

Trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hôm 24/12, Thủ tướng Chính phủ cho biết, cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, Chính phủ sẽ giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng cơ bản của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay về cho vay lại, để giảm thiểu phát sinh các nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ…

Theo Phương Dung – Dân Trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến