Dòng sự kiện:
Bộ Tài chính đề xuất tăng trần lãi vay của doanh nghiệp lên 30%
19/12/2019 07:01:34
Bộ Tài chính đề xuất trần chi phí lãi vay để được trừ khi tính thuế dự kiến được tăng lên 30% thay cho mức 20% như quy định hiện hành.

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8, nghị định 20 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết.

Theo Bộ Tài chính, điểm quan trọng nhất được sửa đổi là việc tăng trần chi phí lãi vay cho DN từ 20% lên 30%. Mục đích của việc nâng trần chi phí lãi vay này là nhằm hoàn thiện các quy định quản lý thuế đối với các khoản vay, cho vay của các DN có phát sinh giao dịch liên kết, qua đó bảo vệ nguồn thu cho đất nước.

Nghị định 20 mục tiêu quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty có quan hệ liên kết có hiệu lực từ tháng 5/2017 và được áp dụng với các kỳ tính thuế từ năm 2018. Theo đó, chi phí lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần. Phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ không được tính vào chi phí hoạt động và bị tính thuế. 

Tuy nhiên, từ khi có hiệu lực đến nay, nhiều lần các doanh nghiệp phản ánh quy định này khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty vốn thường đứng ra vay vốn rồi phân bổ về các công ty con. 

Nửa tháng trước, sau nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp sửa đổi quy định này. Lãnh đạo Chính phủ đánh giá quy định này giúp hạn chế tình trạng chuyển giá nhưng lại gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong nước. 

Đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, bên cạnh mặc tích cực, quy định có bất cập là phạm vi đối tượng áp dụng rộng, gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước.

Mặt khác, quy định khống chế tổng chi phí lãi vay 20% ảnh hưởng đến huy động vốn trung và dài hạn…

Tiếp thu ý kiến của DN và để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dự thảo nghị định mới quy định tổng chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần.

Nghị định này sẽ được trình Chính phủ ngay trong tháng 12 để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019.

Bộ Tài chính cho rằng khi áp dụng đồng thời các phương án tháo gỡ gồm khống chế 30% chi phí lãi vay thuần thì số lượng DN bị loại chi phí lãi vay năm 2017 giảm hơn 1.700 DN xuống còn 1.034 DN; năm 2018 giảm từ 3.080 DN xuống còn 1.093 đơn vị.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc nâng khống chế 30% là phù hợp với thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Như khuyến cáo của OECD, tỉ lệ khống chế chi phí lãi vay các nước xem xét áp dụng nên trong khoảng từ 10 - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến