Dòng sự kiện:
Bỏ trần giá sữa: Người tiêu dùng được lợi gì?
16/03/2017 07:43:27
Bộ Công Thương dự kiến cuối tháng 3.2017 sẽ chính thức công bố việc bỏ áp dụng quy định kiểm soát trần giá sữa đã áp dụng từ hai năm rưỡi qua. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết sẽ có những “biện pháp khung” để quản lý và bình ổn giá, không để giá sữa tăng đồng loạt ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Theo đó, quy định áp trần giá sữa sẽ được bãi bỏ, thay vào đó doanh nghiệp tự kê khai, đăng ký giá với cơ quan nhà nước đồng thời tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước. Đây là một trong những nội dung của dự thảo Thông tư về quản lý giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được Bộ Công Thương soạn thảo, lấy ý kiến.

Bộ Công thương cho rằng phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc áp đặt quy định giá trần mặt hàng sữa không hợp lý trong thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sữa khiến cho thị trường này bị sụt giảm cả về số lượng bán ra và doanh thu. Có doanh nghiệp đã phải đóng cửa và rút khỏi thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng (NFG) - Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề xuất gỡ bỏ chính sách giá trần, cho phép quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định.

Về bản chất, việc gỡ bỏ các biện pháp cứng nhắc về quản lý giá cả là thuận theo quy luật thị trường, không cản trở doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên lo ngại việc giá sữa sẽ đồng loạt tăng. Bởi vì, các doanh nghiệp đều chịu áp lực mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh số. Khi cơ quan quản lý Nhà nước không trực tiếp kiểm soát giá cả thì chính thị trường sẽ làm công việc này. Cùng một mức chất lượng mà doanh nghiệp nào có giá cao hơn chắc chắn sẽ mất dần thị phần.

Việc các hãng sữa bắt tay tăng giá cũng sẽ khó thực hiện được, vì khi đó người tiêu dùng không lựa chọn sản phẩm, chuyển sang dùng các loại sữa xách tay. Mặt khác, cơ quan quản lý có thể áp dụng giá tham chiếu và phát hiện bất cứ lúc nào các hành vi bắt tay nhau tăng giá hoặc mua bán, làm giá lòng vòng từ nước ngoài của các hãng sữa.

Trong một diễn biến khác, Bộ Công Thương sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dưới dạng Thông tư hướng dẫn trên cơ sở pháp luật hiện hành, cam kết quốc tế... và áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

Bởi vì, theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật Giá thì sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Do đó, mặc dù không còn bị áp trần về giá nhưng Nhà nước vẫn có quyền sử dụng các biện pháp bình ổn như: điều hòa cung cầu, các biện pháp tài chính tiền tệ phù hợp, lập quỹ bình ổn, đăng ký giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá, hỗ trợ về giá phù hợp, định giá tối đa, tối thiểu...

Như vậy, hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một trị trường sữa cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng với giá hợp lý và được Nhà nước can thiệp bình ổn giá kịp thời khi có biến động thị trường.

Diệp Chi

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến