Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói gì về đề xuất bỏ kỳ thi THPT Quốc gia?
12/11/2021 07:54:30
Trước vấn đề có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia hay không, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nêu quan điểm của Bộ GD&ĐT.

Thi vẫn là cần thiết

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề giáo dục và đào tạo chiều 11/11, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài, gây tâm lý bất an cho xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến việc chất lượng học tập của sinh viên và học sinh. Có thể đến lúc chúng ta có thể bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia toàn quốc như vừa qua Bộ đã áp dụng cho một số tỉnh thành bị Covid nhiều. Trong cùng một quốc gia mà nơi tổ chức thi, nơi thì không, không có sự công bằng cho học sinh trong cả nước và cũng sẽ rất khó khăn cho các trường đại học phải tuyển sinh nhiều đợt. Xin Bộ trưởng chia sẻ vấn đề này?

ĐBQH Phạm Văn Hoà chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hoà về câu hỏi có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia hay không? Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm ngoái đã tổ chức kỳ thi chia làm nhiều đợt và có một nhóm hơn 2.000 học sinh chờ tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh và khu vực miền Đông vì lý do dịch bệnh đã xin phép đặc cách.

Theo Bộ trưởng, kỳ thi THPT đã được luật hóa, Bộ thực hiện theo quy định của luật và kỳ thi cũng có rất nhiều tác dụng trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Kỳ thi THPT hiện tại vẫn là một trong các căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.

“Năm học 2022 sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang lên phương án cho một hình thức thi linh hoạt hơn, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Căn cứ vào tình hình của đơn vị, của các tỉnh, thành, nhóm tỉnh, thành để có thể có một lịch thi thậm chí còn linh hoạt hơn cả năm 2021”, Bộ trưởng Kim Sơn thông tin.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ đang tính xây dựng một “ngân hàng đề” đủ lớn để có thể tổ hợp và cho phép thi nhiều lần hơn. Thậm chí, có thể mỗi tỉnh một kế hoạch thi cũng không sao, nhưng Bộ trưởng cho rằng, như thế sẽ phức tạp cho việc tổ chức.

“Nếu như điều kiện cho phép tổ chức thi cùng một lịch hoặc từng nhóm sẽ tốt hơn. Bất đắc dĩ vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì có thể thi một cách linh hoạt hơn nữa, nhưng trước mắt chúng tôi khẳng định việc thi vẫn là cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Lo lắng về 5 bộ sách giáo khoa lớp 1

Tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cũng tranh luận. Đại biểu nói: “Rất nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Sau khi nghe Bộ trưởng trả lời câu hỏi của các đại biểu sáng 11/11, nhiều cử tri theo dõi cho biết họ chưa thỏa mãn và cho rằng là còn thiếu tính thuyết phục. Tôi chia sẻ với Bộ trưởng là một Bộ lớn có chức năng quản lý toàn diện về giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, như đại biểu Thúy có nói công tác quản lý nhà nước là phải xuyên suốt trong quản lý, cho nên dù bộ sách này là sản phẩm của nhiệm kỳ trước, nhưng khi đã là tư lệnh ngành với sứ mệnh này thì Bộ trưởng cần lắng nghe, tiếp nhận và xử lý vấn đề khi còn có những “hạt sạn”. Bởi, chúng ta không có quyền để các cháu học sinh lớp 1, với tâm hồn, tư duy còn rất non nớt trở thành thực nghiệm của 5 bộ sách giáo khoa này.

Cử tri cũng bày tỏ sự không đồng thuận khi Bộ trưởng cho rằng vấn đề đúng, sai thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định. Tôi nghĩ rằng Hội đồng thẩm định chỉ là giúp việc, còn trách nhiệm cuối cùng phải là Bộ Giáo dục và Đào tạo mà đứng đầu là Bộ trưởng, Bộ trưởng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Hơn nữa, ở đây không phải chỉ là một “hạt sạn, hạt sỏi” như Bộ trưởng giải trình mà theo nhiều cử tri trong đó có cả giới chuyên môn thì 5 bộ sách này về chất lượng, nội dung, hình thức còn nhiều bất cập. Việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chưa tốt, việc sử dụng một lần sách giáo khoa và tài liệu tham khảo gây lãng phí xã hội rất lớn, gây thêm khó khăn cho người dân nghèo có con đi học. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng cần nghiên cứu theo một hướng khác, mới hơn và có cách tiếp cận thêm để khắc phục những bất cập này và cần có những giải pháp căn cơ hơn để đảm bảo chất lượng toàn diện của công cuộc đổi mới giáo dục trong thời gian tới cũng như là trong tương lai”.

Đại biểu Xuân cho rằng 5 bộ sách này về chất lượng, nội dung, hình thức còn nhiều bất cập.

Về phần tranh luận của đại biểu Xuân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Đấy là ý kiến tranh luận nhưng cũng là một lời mà tôi nghĩ sẽ rất lưu ý trong các công việc chỉ đạo của mình đối với mảng vấn đề sách giáo khoa. Còn những gì đã làm, cần phải làm thì tôi đã chia sẻ. Hết sức cảm ơn đại biểu Nguyễn Thị Xuân đã quan tâm”.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến