“Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ giữ ổn định như năm nay đến năm 2020. Bộ đang có nghiên cứu để có lộ trình cho các năm tiếp theo. Vấn đề đó sẽ công bố sau.”
Đây khẳng định được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh nhiều lần tại Hội nghị Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, khi có một số ý kiến đề xuất đổi mới phương án thi. Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực tuyến sáng nay, ngày 17/7, tại ba điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tới đây, Bộ sẽ mời các chuyên gia phân tích phổ điểm từng môn thi để đánh giá thực trạng dạy và học ở các trường phổ thông, từ đó tìm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, triển khai ngay từ năm học tới.
Tin tưởng kết quả thi
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ cảm ơn sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó vai trò của các trường đại học, các thầy cô tham gia coi thi, chấm thi, góp phần quan trọng vào thành công kỳ thi.
Các đại biểu tham dự cũng đều thống nhất đánh giá Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã rất thành công, xét trên nhiều phương diện, từ khâu tổ chức đến kết quả thi.
Giáo sư Phạm Quang Trung, Viện trưởng Viện quản lý giáo dục, nhận định kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, xã hội và các trường đại học có thể tin tưởng vào kết quả thi. “Thành công đó ngoài việc chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bài học kinh nghiệm các năm sau là phải có sự chỉ đạo quyết liệt kiên quyết từ trung ương đến địa phương. Bộ nghiêm nhưng địa phương không nghiêm vẫn để lại hậu quả lớn,” ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, Bộ đã ứng dụng nhiều công nghệ vào kỳ thi nhưng yếu tố con người vẫn là khâu quyết định nhất. Vì thế, ông Trung cho rằng, một trong những yếu tố thành công của kỳ thi năm nay là công tác thanh tra kiểm tra, làm cho các địa phương, các trường đều nâng cao tinh thần nghiêm túc.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đánh giá cao kỳ thi. Theo ông Đức, kết quả thi đã phản ánh thực chất học sinh, giúp các trường yên tâm về kết quả thi để xét tuyển đại học.
Phó giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học với các địa phương trong tổ chức thi, chấm thi có vai trò rất quan trọng. Theo đó, ông Tú kiến nghị trong các năm tới, phải công tác phối hợp phải tốt hơn nữa để các bên làm việc hiệu quả hơn.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 400 đại biểu đến từ các trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sẽ phân tích từng môn thi để điều chỉnh dạy học
Tại Hội nghị, một số ý kiến đề xuất điều chỉnh thay đổi thi Trung học phổ thông quốc gia theo hướng miễn thi cho 30% học sinh khá giỏi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi sẽ giữ ổn định như hiện nay cho đến năm 2020.
Theo Bộ trưởng Nhạ, việc thi không chỉ đơn thuần là xét tốt nghiệp trung học phổ thông hay xét tuyển vào đại học mà để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học phổ thông. Vai trò quan trọng nhất của kỳ thi là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như Lịch sử, Tiếng Anh.
Mức điểm trung bình của thí sinh cả nước ở cả môn Lịch sử và Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia qua các năm đều không chạm mốc trung bình 5 điểm
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết sẽ phân tích kỹ phổ điểm thi của từng môn, từng tỉnh.
“Ngay cuối tuần này, Bộ sẽ tổ chức hội nghị giám đốc sở giáo dục đào tạo để bàn kỹ về phổ điểm, lý giải nguyên nhân vì sao môn này, môn kia thấp, mổ xẻ, rút kinh nghiệm. Như chúng ta đã biết không phải năm nay môn Lịch sử, Tiếng Anh mới có kết quả thấp, những năm trước cũng vậy. Năm nay, khi phân tích phổ điểm, nhìn chung hai môn này đã có sự tiến bộ nhưng kết quả như vậy vẫn chưa chấp nhận được nên cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho kỳ thi sang năm,” ông Nhạ phân tích.
Cũng theo ông Nhạ, việc phân tích này phải thực hiện ngay trong tháng Bảy để có thể triển khai giải pháp ở các trường phổ thông bắt đầu từ năm học tới.
Theo Vietnam+
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy