Dòng sự kiện:
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2019 đã trở về giá trị thực?
17/07/2019 13:34:18
Những địa phương có truyền thống học tập đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao. Còn vùng miền khó khăn hay những nơi có gian lận điểm thi năm 2018 đã tụt sâu.

Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trên toàn quốc với tỷ lệ đạt được là 94,06%.

Trong số các địa phương đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2019, Nam Định dẫn đầu với 98,57% thí sinh đỗ tốt nghiệp. Các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng, Hậu Giang… đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao trên 95%.

Lai Châu vốn là địa phương khó khăn còn về kinh tế- xã hội thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng đạt 96,55%. Đặc biệt, Lai Châu có 14 đơn vị trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%, chủ yếu là trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, học sinh thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

Một số địa phương đã xảy ra gian lận thi cử năm 2018 như Hà Giang, Sơn La có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm sâu so với năm 2018, còn hơn 70%. So sánh giữa học sinh khối trung học phổ thông và khối giáo dục thường xuyên thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở khối THPT cao hơn.

Về điểm thi, Nam Định là tỉnh dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình thi THPT quốc gia năm 2019 là 5,97 điểm. Xếp ngay sau đó là Hà Nam với mức điểm trung bình là 5,89 điểm. Xếp thứ 3 và 4 lần lượt là tỉnh Bình Dương và Ninh Bình. Mức điểm trung bình của hai địa phương này là 5,88 và 5,85 điểm.

Như vậy, đã có sự thay đổi thứ hạng của tỉnh Bình Dương khi năm ngoái, tỉnh này xếp thứ 6 toàn quốc với 5,35 điểm.

TP HCM cũng có sự thay đổi lớn về thứ hạng khi xếp thứ 5 với điểm trung bình 5,81. Năm ngoái, TP HCM xếp thứ 9 cả nước với mức điểm là 5,25.

Hà Nội năm nay xếp thứ 25 với 5,50 điểm, cao hơn một bậc so với năm 2018.

Với 3 tỉnh có gian lận về điểm thi trong năm 2018 là Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình xếp cuối cùng của cả nước về mức điểm trung bình thi THPT Quốc gia năm 2019 với số điểm lần lượt là 4,29; 4,30; 4,70.

Nơi xảy ra gian lận điểm thi năm 2018 có kết quả tụt sâu

Ông Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục phân tích, năm nay, Bộ GD-ĐT siết chặt các công đoạn coi thi, chấm thi và có những biện pháp chống gian lận thi cử tốt hơn nên những địa phương có truyền thống về giảng dạy-học tập, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển như: Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, TP HCM đều có kết quả điểm thi cao.

Sơn La là địa phương đã xảy ra gian lận điểm thi năm 2018 có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 giảm sâu (từ mức trên 97% xuống còn hơn 70%).

Còn những địa phương khó khăn về kinh tế-xã hội hay những nơi đã xảy ra gian lận về điểm thi năm 2018 như tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, năm nay xếp hạng điểm thi của thí sinh đều thấp.

Tuy nhiên, nhìn vào điểm thi, là một địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang còn khó khăn về kinh tế nhưng đã có sự tiến bộ về điểm thi THPT Quốc gia. Điều này cho thấy, địa phương đã có sự chấn chỉnh trong công tác dạy và học tốt hơn.

Từ thực tế điểm thi của tỉnh An Giang cũng đặt vấn đề về việc điều chỉnh cách thức giảng dạy-học tập ở những nơi còn khó khăn về điều kiện sống và các địa phương bị tụt hạng về điểm thi tốt nghiệp THPT.

Cần có sự đánh giá kỹ xét đỗ tốt nghiệp theo tỷ lệ 70/30

Qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, xã hội sẽ thấy được rõ hơn tình hình giảng dạy-học tập THPT ở các địa phương như thế nào khi mà Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều giải pháp chống gian lận thi cử.

Tuy nhiên, một trong những điểm mới là năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định về xét tốt nghiệp THPT theo tỷ lệ 70/30 (điểm thi thí sinh đạt được ở các môn thi/điểm trung bình của học sinh ở cấp THPT). Sự thay đổi này đã tác động đến kết quả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở các địa phương theo hướng đánh giá nghiêng về kết quả điểm của các môn thi hơn là xét theo học bạ cấp THPT.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục.

Mặc dù có sự thay đổi trong cách thức xét tốt nghiệp THPT nhưng các địa phương vẫn cần tiếp tục xem xét, đánh giá, kiểm soát được việc giáo viên cấp THPT chấm điểm học bạ như thế nào. Điều này rất quan trọng vì là cơ sở để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường bằng học bạ.

Nếu không kiểm soát tốt được việc chấm điểm học lực ở cấp THPT thì sẽ dẫn đến tiêu cực, trình độ học lực của học sinh và chất lượng giáo dục sẽ không thực chất.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đã trả về giá trị thực

Nhận định về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay, GS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, điểm thi các môn THPT Quốc gia năm 2019 thể hiện học sinh học không đều giữa các môn, có nhiều thí sinh bị điểm liệt ở một số môn học như: Ngữ văn, Lịch sử. Ngoài ra, nhiều thí sinh làm bài thi với mục đích chỉ để đỗ tốt nghiệp THPT, chứ không phải để xét tuyển ĐH, CĐ.

Theo GS.TS Vũ Văn Hóa, các địa phương như: Hà Nội, TP HCM, Nam Định, Hà Nam đều có học sinh đạt điểm thi cao nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn cao. Còn những tỉnh miền núi hay các tỉnh gian lận điểm thi như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp hơn năm 2018 nhiều. Nếu như năm 2018, các địa phương này có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT lên đến trên 90% thì năm nay đã giảm xuống còn hơn 70%.

Năm nay, Bộ GD-ĐT và toàn xã hội siết chặt công tác coi thi, chấm thi hơn. Mặt khác, việc giao cho các trường ĐH chấm thi các môn Trắc nghiệm cũng góp phần giảm tiêu cực, gian lận điểm thi nên kết quả thi THPT Quốc gia 2019 sẽ thực chất, trả về giá trị thực.

Có thể thấy, điểm trung bình các môn thi THPT Quốc gia 2019 nhỉnh hơn một chút so với năm 2018 nhưng cơ bản phổ điểm các môn thi năm 2018, 2019 có sự tương đồng.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến