Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Bộ Y tế: Trong tháng 5 sẽ điều chỉnh giá 40 dịch vụ y tế
10/04/2018 10:18:22
Dự tính trong tháng 5 sẽ có 40 dịch vụ y tế được điều chỉnh. Đây là các dịch vụ thường xuyên được sử dụng trong khám chữa bệnh. Sau đó, tiến tới sẽ xây dựng lại giá cho các dịch vụ y tế khác.

Zing.vn đưa tin, chiều 9/4, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tiếp với Bộ Y tế về một số vấn đề liên quan đến chính sách BHYT, đấu thầu tập trung thuốc, xã hội hóa y tế...

Trước ý kiến của Phó thủ tướng về việc Bộ Y tế vẫn chưa triển khai báo cáo Chính phủ việc điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 37 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định chậm nhất đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên cả nước.

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là khoảng 40 dịch vụ như khám bệnh, ngày giường bệnh, X-quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai mũi họng... Sau đó, tiến tới sẽ xây dựng lại giá cho các dịch vụ y tế khác.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: T.D

Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam sẽ khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ kỹ thuật. Hiện Việt Nam đang có khoảng 18.000 dịch vụ kỹ thuật trong khi đó các nước trên thế giới chỉ có khoảng 2.000 đến 3.000 dịch vụ.

Về giá dịch vụ y tế, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện cơ cấu giá điều chỉnh vẫn bao gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, chưa tính phi phí quản lý và khấu hao. Do đó chưa tính chi phí ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đồng), và chi phí quản lý.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 37, trao đổi thêm trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Thông tư 37 là do Liên bộ Y tế - Tài chính ban hành năm 2015, dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật được liên bộ khảo sát, xây dựng, có Hội đồng thẩm định, Bộ Y tế ban hành theo đúng trình tự quy định tại Thông tư 25 của Bộ Tài chính về phương pháp xây dựng giá, tại Nghị định 177 hướng dẫn Luật giá.

Tuy nhiên, Thông tư 37 được ban hành năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp (vật tư y tế, điện nước, chi phí tiền lương) lại được tính theo Thông tư 04, ban hành từ năm 2012 (giá khảo sát là năm 2011). Do đó, rất nhiều giá của dịch vụ y tế, chi phí tiền lương… đã lạc hậu.

Cụ thể như giá điện đã tăng từ 1.310 đồng/KWh lên 1.713 đồng, nước 6.270 đ/m3 lên 11.148 đồng, xử lý nước thải y tế 2011 mới tính 3.135 đ/m3, hiện nay chi phí thực tế và thuê bình quân 15.000 đồng...; công suất sử dụng, lương cơ sở tại thời điểm 2015 là 1.150.000 đồng, nay 1.300.000 đồng, từ 1/7/2018 là 1.390.000 đồng. Như vậy, nếu giá dịch vụ y tế tính theo mức chi phí từ năm 2011 là quá thấp.

Bên cạnh đó, trước việc các cơ sở y tế vẫn tính giá dịch vụ như quy định nhưng con số thực tế lại cao hơn là không hợp lý dẫn tới việc bội chi quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ bằng 70%-80% mức giá hiện nay.

Do đó, Bộ Y tế sẽ khảo sát lại giá dịch vụ y tế cho sát với giá thị trường hiện nay, đồng thời sẽ điều chỉnh các chi phí bất hợp lý. Dịch vụ nào cần tăng sẽ điều chỉnh tăng, dịch vụ nào cần giảm sẽ giảm. Trước mắt, tháng 5 sẽ điều chỉnh 40 dịch vụ y tế.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề cập đến nhiều vấn đề của BHYT, giá thuốc. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải mở rộng hình thức đấu thầu thuốc như Bộ Y tế đã thí điểm để nhằm giảm giá thuốc, có lợi cho người bệnh. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và cho biết Bộ đang khẩn trương xem xét lại và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc...

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến