Đại dịch COVID-19 không thể chấm dứt trước năm 2023. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Kể từ ca mắc COVID-19 đầu tiên từ ngày 23/1/2020 đến nay, Việt Nam có 2.380.695 ca mắc COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.111 ca nhiễm).
Cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn còn tiếp tục trong các năm tới. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 sau Tết tại nhiều địa phương.
Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề phòng chống dịch trong năm 2022.
Đại dịch COVID-19 không thể chấm dứt trước năm 2023
- Xin Bộ trưởng có thể cho biết chiến lược chống dịch trong năm 2022 có những điểm gì mới?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia, đại dịch COVID-19 không thể chấm dứt trước năm 2023. Vì vậy, tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng.
Toàn ngành y tế vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," trong đó tập trung vào một số vấn đề cơ bản như: Ngành y tế tiếp tục tăng bao phủ vaccine, nhất là với mũi 3 cho những đối tượng trên 18 tuổi; đảm bảo việc tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có những chia sẻ nhân dịp đầu năm mới. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bên cạnh đó, Bộ Y tế vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng như 5K, trong đó biện pháp đeo khẩu trang là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19...
Đặc biệt, việc tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là năng lực ứng phó với những ca bệnh diễn biến nhanh, tăng nặng... đã được ngành chú trọng để đảm bảo đáp ứng các tình huống về y tế trong mọi bối cảnh, hoàn cảnh.
Tiêm vaccine cho trẻ phải đảm bảo an toàn
- Hiện nay, việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi được rất nhiều các gia đình quan tâm. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi thận trọng, từng bước. Khi có vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Việt Nam sẽ triển khai tiêm từng bước chắc chắn, trong đó an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu. Hiện Bộ Y tế đang đàm phán để sớm có vaccine.
Tôi có thể khẳng định rằng Bộ Y tế rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện việc tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ thường xuyên tham khảo ý kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cho đến nay, WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay có hơn 37 quốc gia đã có kế hoặc và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao.
Trước đó, Bộ Y tế đã báo cáo Bộ Chính trị và xin ý kiến chỉ đạo tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Chính phủ cho phép mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioTech để có thể triển khai tiêm và chấp nhận có thể dư thừa vaccine.
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Việc tiêm vaccine vẫn thực hiện theo chương trình cũ, cụ thể tiêm vaccine không phải là bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích với tất cả người dân. Đa phần các trường hợp tử vong thời gian qua - khoảng 80% là do không tiêm vaccine, không tiêm đủ mũi. Đây là điều rất đáng tiếc, phần lớn tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền. Hiện nay, để bảo vệ nhóm đối tượng này, các địa phương đang thực hiện rất tốt chiến lược “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiêm vaccine cho người dân, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.
Việt Nam không “thả” Omicron
- Trên thế giới, biến chủng Omicron đang xuất hiện ngày càng nhiều. Bộ trưởng có thể phân tích vì sao Việt Nam không “thả” Omicron dù bệnh nhẹ hơn so với Delta?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với Delta nhưng tốc độ lây nhiễm rất cao, gấp 7 lần ở người chưa tiêm và 3 lần ở người đã tiêm. Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, ca tử vong.
Trong hai năm qua, công tác phòng chống dịch tại Việt Nam đang từng bước có những kết quả hết sức khả quan, số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong đều giảm. Đây là kết quả của cả một quá trình lâu dài mà chúng ta chuẩn bị thời gian qua: Tiêm chủng, chuẩn bị năng lực cho hệ thống y tế, kinh nghiệm trong điều trị và cách thức tổ chức trong phân tuyến, tiếp nhận điều trị bệnh nhân, quản lý sớm, điều trị sớm ngay từ cộng đồng. Tất cả góp phần giảm tỷ lệ tử vong và kết quả đó là rất khả quan.
Vì thế, chúng tôi vẫn đề nghị thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó việc đeo khẩu trang là giải pháp rất quan trọng. Bên cạnh đó, ngành y tế vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp khác gồm tiêm chủng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân tại tất cả các tuyến.
Chúng tôi vẫn lo ngại và cảnh báo rằng chúng ta không nên quá chủ quan và càng phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới. Tốc độ lây nhiễm của Omicron rất cao, với người chưa tiêm vaccine là cao cấp 7 lần so với biến chủng Delta. Đây chính là vấn đề chúng ta đang hết sức quan tâm lưu ý. Điều này cũng giải thích lý do vì sao tất cả những trường hợp nhập cảnh chúng ta đều phải quản lý chặt chẽ để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Thực tế người nhiễm Omicron có vẻ mắc bệnh nhẹ hơn đối với Delta, nhưng nếu như rất nhiều người bị trong cùng một thời điểm thì chắc chắn số lượng tuyệt đối của bệnh nhân nặng tăng lên. Vì thế, Bộ Y tế liên tục có cảnh báo, không được “thả” biến chủng này mà ngược lại, cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nhất là biện pháp phòng chống y tế công cộng, thực hiện 5K để số ca mắc mới không tăng nhanh quá mức. Vì nếu các ca mắc mới tăng nhanh quá mức thì sẽ làm tăng ca bệnh nặng, gây quá tải hệ thống y tế, từ đó dẫn đến các trường hợp tử vong mà chúng ta không mong muốn. Vì thế, Bộ Y tế cũng luôn cảnh báo rằng không phải vì diễn biến bệnh nhẹ mà chủ quan, lơ là.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi học sinh quay trở lại trường để học trực tiếp kết hợp với đẩy mạnh công tác tiêm chủng. Cùng với đó, các vấn đề về phòng chống dịch, thực hiện 5k cũng cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong cộng đồng; đặc biệt là trong mùa lễ hội đầu năm hay các điểm công cộng như rạp chiếu phim vừa được mở lại...
- Nhìn lại năm 2021, Bộ trưởng đánh giá công tác phòng chống dịch đã đạt được những kết quả như thế nào?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Công tác phòng chống dịch đang từng bước có những kết quả hết sức khả quan. Quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam đã tăng được độ bao phủ vaccine ở mức độ rất cao và là một trong những nước thuộc top đầu thế giới về bao phủ vaccine. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng xác định vaccine là một trong những chìa khóa then chốt để đưa cuộc sống trở lại bình thường cùng với các biện pháp công cộng khác nữa. Bộ đã báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân và tiêm cho tất cả mọi người khi đến lịch tiêm. Bộ đã có hướng dẫn, chỉ đạo với các địa phương, lực lượng y tế cũng sẵn sàng.
Về điều trị, hiện nay tất cả các cơ sở y tế đã đảm bảo đủ thuốc men, máu, dịch truyền để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân, kể cả bệnh nhân COVID-19, đảm bảo tất cả người dân khi có nhu cầu đều được chăm sóc, tiếp cận với các dịch vụ y tế và được điều trị.
Cán bộ ngành y tế rất thiệt thòi
- Bước sang năm thứ ba của cuộc chiến chống lại COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế có những nhắn nhủ gì với cán bộ ngành y tế?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Cán bộ y tế đã rất vất vả trong gần 2 năm qua và đã đạt được những thành quả trong công tác phòng chống dịch vô cùng to lớn. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời tri ân, cảm ơn những nỗ lực của toàn bộ hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thay mặt cho Bộ Y tế, chúng tôi xin được tri ân gia đình của cán bộ y tế cũng đã quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ y tế yên tâm làm việc.
Những thành quả trong công tác phòng chống dịch gần 2 năm qua là vô cùng to lớn. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng các cán bộ y tế nói chung đã phải chịu một áp lực vô cùng to lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh, cộng thêm việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân trong bối cảnh dịch bệnh là một thách thức rất lớn. Vì vậy, cán bộ ngành y tế cũng rất thiệt thòi về chế độ, thu nhập. Nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ chế độ thưởng Tết cho cán bộ nhân viên. Bộ Y tế đã có ý kiến với các địa phương làm sao đảm bảo quan tâm tới lực lượng tuyến đầu về phòng chống dịch.
Điều quan trọng nhất là chúng ta sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường nhằm tập trung phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Đây là nhiệm vụ hết sức cao cả, to lớn đặt ra với ngành y tế.
Để đồng hành cùng ngành y tế, người dân cần thực hiện nghiêm 5K, trong đó việc đeo khẩu trang là giải pháp rất quan trọng. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để toàn xã hội cùng chung tay, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường, kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Tác giả: Thùy Giang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy