Sáng 7/11, Quốc hội dành hơn 1 giờ tiếp tục chất vấn thành viên Chính phủ về nhóm lĩnh vực: Công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
Thay đổi tư duy khi làm hạ tầng giao thông
Tranh luận với Bộ trưởng GTVT về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án đối tác công tư (PPP), đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Theo đại biểu, nếu quá tập trung vào việc nâng tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP.
“Các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của Nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ( Luật PPP), khi và chỉ khi Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân”, bà Chinh nói.
Ngoài ra, bà Chinh cho rằng cần tránh tình trạng chỉ chú trọng giai đoạn xây dựng công trình mà chưa bao quát toàn bộ vòng đời dự án; tránh xu hướng đầu tư PPP như đầu tư công và đầu tư tư nhân thuần túy.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh, đoàn Hà Giang (Ảnh: Quochoi.vn).
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, sau khi ban hành Luật PPP, tuy nhiên chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án PPP.
Theo Bộ trưởng, hiện nay cả nước, về đầu phương tiện có 5,2 triệu ô tô, phân bố không đồng đều, riêng Hà Nội và Tp.HCM chiếm xấp xỉ 50%, do phân bổ không đồng đều nên việc thu hút vốn vào dự án PPP khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều dự án từ những năm 2016 hiện nay đang có vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp. Nhiều dự án đến thời điểm được tăng phí nhưng cũng chưa được tăng vì liên quan đến điều hành giá và điều hành chỉ số giá tiêu dùng CPI. Có những dự án chưa được hoàn vốn.
"Đằng sau các doanh nghiệp chính là ngân hàng, khi các ngân hàng thấy dự án có rủi ro thì rất khó để họ tham gia, như vậy thì doanh nghiệp không thể thực hiện được", Bộ trưởng GTVT nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Quochoi.vn).
Về giải pháp, ông Thắng nói rằng Bộ GTVT đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội.
Đồng tình với đại biểu Phạm Thúy Chinh rằng việc tăng tỉ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP không phải là yếu tố quyết định, ông Thắng dẫn một số nước không quy định tỉ lệ vốn Nhà nước, có dự án Nhà nước tham gia nhiều nhưng hiệu quả không tốt, hoặc dự án có khả năng thu hồi vốn cao thì Nhà nước chỉ tham gia 20-30%.
"Chúng ta cần chủ động thay đổi tư duy khi làm hạ tầng giao thông. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông. Chúng ta sẽ đẩy mạnh thu hút vốn của doanh nghiệp thông qua nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí", ông Thắng cho hay.
Kiến nghị sửa luật để thu hút nhà đầu tư PPP
Tranh luận với Bộ trưởng GTVT về tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm với dự án PPP, cần căn cứ tính chất của từng dự án trong từng giai đoạn để quyết định tỉ lệ vốn tham gia của Nhà nước cho phù hợp, đặc biệt vốn của Nhà nước ở các dự án thuộc vùng khó khăn, vùng xa xôi.
Nêu thực tế việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các dự án PPP giao thông rất khó khăn, ông Lộc cho rằng có thể tăng được vốn của Nhà nước thậm chí lên 85-90%, chỉ cần vốn tư nhân 10-15% vẫn có khả năng hoàn thành dự án một cách tốt nhất.
Theo ông, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP cho phù hợp thực tiễn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà nhiều ngành khác như y tế, giáo dục cũng đang bị bế tắc. Đại biểu cho rằng cần có thay đổi để tạo điều kiện mở rộng phương thức PPP trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội (Ảnh: Quochoi.vn).
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện nay theo thông lệ quốc tế, các nước cơ bản không ấn định mức tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia mà tùy tính chất và phương án tài chính của từng dự án để ngân sách Nhà nước tham gia nhiều hay ít, miễn đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, đảm bảo dự án thu hút được nhà đầu tư, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệpvà Nhà nước.
“Bộ GTVT đang kiến nghị sửa đổi Luật PPP thời gian tới để thu hút được nhiều nhà đầu tư PPP trong hạ tầng giao thông”, ông Thắng nói.
Nói thêm về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết với việc triển khai các dự án PPP, Quốc hội đã ban hành nghị quyết đặc thù, thí điểm cho Tp.HCM mở rộng danh mục, linh hoạt trong quyết định tỉ lệ vốn tham gia. “Trên cơ sở thí điểm, sau này sẽ nghiên cứu và hoàn thiện Luật PPP”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy