Đã nhận diện các giải pháp kiểm soát lạm phát gia tăng
Giải trình trước Quốc hội chiều 7/1 về gói hỗ trợ kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề lớn, khó, có ý nghĩa quan trọng không chỉ kinh tế mà cả xã hội, y tế. Không chỉ tác động trong ngắn hạn mà cả dài hạn. Trước đây, ứng phó khủng hoảng thì có một số chính sách nhưng phạm vi hẹp hơn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quốc Chính).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra những giải pháp để kiểm soát những lo ngại của các đại biểu nêu. "Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ tăng trưởng và phát triển lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế", ông Dũng nói.
Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cho biết, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào những ngành cần thiết, trước mắt là nâng cao năng lực phòng chống dịch ngành y tế; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược…
Ngoài ra, phân bổ nguồn vốn sẽ hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.
Bộ trưởng Dũng đồng ý với các đại biểu Quốc hội là gói hỗ trợ quy mô tương đối lớn, thời gian thực hiện tương đối ngắn nên khả năng hấp thụ, đảm bảo đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra là thách thức rất lớn.
"Quy mô khá lớn, bên cạnh đánh giá tác động của chính sách, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là áp lực lạm phát gia tăng trong 2022- 2023. Trong quá tình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để có phản ứng phù hợp để kiểm soát lạm phát", ông Dũng cho biết.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, nhất là trước và trong quá trình xây dựng công trình để nâng cao tính công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, xin - cho, lợi ích nhóm.
"Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước, yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia vào cuộc ngay từ đầu việc triển khai các chính sách đặc thù, nhất là cơ chế chỉ định thầu, đẩy mạnh công nghệ thông tin để bảo đảm năng suất hiệu quả, hiệu lực", Bộ trưởng nêu trước Quốc hội.
Bộ trưởng nói gì về đề nghị tăng thuế giao dịch chứng khoán, bất động sản?
Trong các phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, kinh doanh nền tảng kỹ thuật số, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hạn chế tiêu dùng.
Nhắc đến chính sách thuế tại phiên thảo luận tổ hôm 4/1, Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng cho biết các cơ quan Quốc hội đã nhiều lần gợi ý nhưng đến nay nhiều điểm vẫn "tiếp tục ghi nhận, nghiên cứu". Ông dẫn chứng, các nước khác đánh vào tỷ lệ phần trăm trên giao dịch chứng khoán lớn, tăng thuế để hỗ trợ nền kinh tế. Việt Nam thì tăng trưởng chứng khoán rất mạnh; Cần cân nhắc để điều tiết thị trường, không để "nóng" quá.
Khi chia sẻ thêm liên quan tới đề nghị của các đại biểu về tăng thuế giao dịch bất động sản, chứng khoản trước Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức trong nước nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 20% trên thu nhập; đối với tổ chức nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên doanh thu bán chứng khoán.
Đối với cá nhân áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá bán chứng khoán (việc áp dụng mức thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, giá bán chứng khoán không phân biệt có lãi hay không có lãi).
Còn đối với bất động sản, mức thuế suất thuế TNDN 20% trên thu nhập được áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, doanh nghiệp không được bù trừ lãi từ hoạt động bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và không áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với chuyển nhượng bất động sản. Đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản áp dụng mức thuế suất 2% trên giá bán từng lần.
Theo Bộ trưởng, thị trường chứng khoán đang phát triển tốt, là kênh hút vốn quan trọng. Năm 2021, thị trường này đem về nguồn huy động khoảng 7,77 triệu tỷ đồng, chiếm 92,5% GDP năm 2021.
Bộ trưởng đề nghị giữ nguyên mức thuế chuyển nhượng với chứng khoán. Còn việc chuyển nhượng bất động sản cá nhân thì yêu cầu nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế.
"Hiện nay tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản thế chấp. Còn chuyển nhượng tài sản cá nhân thì nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế", Bộ trưởng cho hay.
Tác giả: Nguyễn Mạnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy