Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Tài chính: Không siết trái phiếu doanh nghiệp
08/06/2022 15:51:09
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính không có chủ trương siết hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp vì đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp.

Thông tin này được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 8/6. Cụ thể, trả lời câu hỏi của các đại biểu về bong bóng thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính cho biết trong những năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển tương đối tốt, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 khoảng 26%/năm.

Đến cuối 2021, thị trường cổ phiếu đã đạt 7,774 triệu tỷ, tương đương 92,5% GDP năm 2021 và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 15% GDP, tương đương 1,374 triệu tỷ.

Thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp, cùng với tín dụng ngân hàng, đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.

Lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền

Theo Bộ trưởng Tài chính, các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều có trên 500 năm phát triển thị trường chứng khoán, Việt Nam đến nay mới được khoảng 22 năm, nhưng đã có những bước tăng trưởng tích cực. Điều này thể hiện sức mạnh của thị trường chứng khoán, doanh nghiệp trong nước.

Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán xuất hiện một số trường hợp thao túng giá, tung tin giả mạo, tạo nhiều tài khoản để lôi kéo khách hàng rồi đột ngột bán ra, khi bán không báo với cơ quan quản lý Nhà nước... Tuy nhiên, đây chỉ là hành vi của cá nhân.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng phát sinh một số trường hợp đưa thông tin sai lệch, dùng một công ty để phát hành trái phiếu cho công ty khác, rồi làm hợp đồng đầu tư góp vốn với các cá nhân. “Điều này chính là vi phạm trật tự kinh tế, vi phạm Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan và phải bị xử lý nghiêm”, ông Phớc nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính cho biết qua thanh tra đã phát hiện trường hợp lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bộ trưởng Phớc cho biết thêm hiện Bộ Tài chính đã có những giải pháp để tăng cường kiểm tra hoạt động của thị trường, đưa trí tuệ nhân tạo vào hoạt động theo dõi nghiệp vụ phát sinh, yêu cầu báo cáo về các cổ phiếu lên xuống đột ngột, thiết lập sàn giao dịch riêng cho trái phiếu riêng lẻ để theo dõi.

Cùng với các giải pháp hoàn thiện Nghị định 153, tới đây, Bộ sẽ đề xuất với Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện phát hành, như doanh nghiệp phải có lãi, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, mục đích phát hành…

Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt với các giao dịch bất thường về dòng tiền, trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

“Thời gian qua đã phát hiện nhiều vi phạm thông qua quá trình kiểm tra, không những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán mà còn có cả hành vi lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Bộ đã chuyển hồ sơ một số vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Không siết trái phiếu doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có hay không siết trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết hiện Bộ Tài chính không có chủ trương nào nói sẽ siết và hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Bởi đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch và không được lợi dụng để sử dụng số tiền sai mục đích, đưa tiền vào đầu cơ bất động sản hay kênh khác mà không đóng góp cho nền kinh tế.

Về tình trạng tung tin đồn thất thiệt, tin giả mạo ảnh hưởng tới thị trường, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết các nội dung này đã được đưa vào điều cấm của Luật Chứng khoán và đã có nhiều trường hợp bị xử lý cả về hành chính và hình sự.

“Bộ sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan công an để xử lý việc tung tin đồn thất thiệt, đưa thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư khác, đảo lộn trật tự kinh tế trên thị trường chứng khoán”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Ông Phớc cũng trình bày thêm, hiện nay quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 15% GDP, trong khi mục tiêu chiến lược Thủ tướng ban hành là đến năm 2025 phải đạt 20% GDP và năm 2030 đạt 25% GDP. Do đó, mức 15% hiện vẫn nằm trong quy mô cho phép.

Ngoài ra, so với các nước trong khu vực thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất, do đó còn nhiều dư địa để thực hiện.

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc so sánh thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam với các nước là khập khiễng, vì các quốc gia này đã có lịch sử thị trường rất lâu đời. Vấn đề quan trọng là riêng năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đột biến và để xảy ra những sai phạm.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính cần rà soát lại chính sách pháp luật, hướng tới hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường.

“Cơ quan nào cũng nói không có động thái siết, nhưng thị trường chứng khoán, trái phiếu trong 4-5 tháng đầu năm nay gần như không có tăng trưởng. Rồi những vấn đề liên quan nợ đến hạn của một số nhà phát hành năm nay rất lớn, thanh khoản lĩnh vực này thế nào, đề nghị Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo thêm, trách nhiệm kiểm tra như thế nào”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Trong chiều này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội về các lĩnh vực liên quan.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến