Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 29/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bác đề xuất về việc tăng vốn trong ngắn hạn cho Ngân hàng Thế giới (WB).
Ý tưởng tăng vốn nằm trong số những đề xuất mà WB đưa ra vào tháng Một. Đề xuất này sẽ không được thông qua nếu thiếu sự ủng hộ của Mỹ - cổ đông chính của WB.
Đề xuất tăng vốn được đưa ra trong bối cảnh WB công bố lộ trình phát triển nhằm đáp ứng các thách thức mà bà Yellen nêu ra vào năm ngoái, hướng tới mở rộng nhiệm vụ của ngân hàng nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu, ngoài việc cung cấp các khoản vay cho các dự án phát triển tại một số quốc gia như hiện nay.
Tuy nhiên, việc tăng vốn sẽ cần hàng tỷ USD đóng góp của Mỹ để nước này duy trì tỷ lệ sở hữu trong WB. Điều này đi ngược lại yêu cầu cắt giảm chi tiêu của các hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa để đổi lấy việc nâng mức nợ trần liên bang.
Lần cuối WB tăng vốn là ở mức 13 tỷ USD vào năm 2018, song khả năng cho vay của ngân hàng đã gặp hạn chế do đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine.
Trong phiên điều trần về ngân sách trước Tiểu ban Phân bổ về các hoạt động nhà nước, nước ngoài và chương trình liên quan của Hạ viện Mỹ, bà Yellen nhấn mạnh dù muốn huy động tốt hơn các nguồn lực tư nhân, cũng như các khoản đầu tư của WB, song Mỹ không đề nghị tăng vốn vào thời điểm này.
Bà mong muốn các cải cách của WB sẽ mở rộng đáng kể khả năng cho vay để chống biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác, chủ yếu thông qua việc tận dụng các nguồn lực hiện có của ngân hàng, áp dụng các chính sách tài chính sáng tạo và huy động tài chính tư nhân.
Bà cũng hy vọng ứng viên Ajay Banga do Mỹ đề cử sẽ được bầu làm Chủ tịch WB, với trọng trách cải tổ lại ngân hàng này để ứng phó tốt hơn với các thách thức của thế kỷ 21, bao gồm khí hậu, các đại dịch và xung đột.
Tháng Hai vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử ông Ajay Banga, một người Mỹ gốc Ấn, cựu giám đốc điều hành công ty Mastercard Inc, giữ cương vị Chủ tịch WB thay ông David Malpass dự kiến sẽ rời nhiệm sở vào tháng Sáu tới.
WB là tổ chức tài chính quốc tế cung cấp những khoản vay nhằm thúc đẩy kinh tế cho các nước đang phát triển thông qua các chương trình vay vốn với mục tiêu chính là giảm đói nghèo. Mỹ là cổ đông lớn nhất của WB và là nước đặt trụ sở của tổ chức tài chính quốc tế này.
Theo truyền thống, Mỹ đề cử chức danh chủ tịch của WB.
Vào ngày 29/3, WB đã kết thúc thời hạn đề cử cho chức chủ tịch ngân hàng này và không có ứng viên mới nào khác ngoài ông Banga.
Dự kiến trong ngày 30/3, ban điều hành WB sẽ công bố các bước đi tiếp theo trong quá trình lựa chọn và xác nhận lãnh đạo mới vào đầu tháng Năm./.
Tác giả: Đặng Ánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy