Các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế toàn cầu chỉ có thể đạt mức trung bình 2,2% mỗi năm, từ nay đến 2030, thấp so với 2,6% của thập kỷ gần đây nhất và thấp xa so với 3,5% của những năm đầu 2000.
Các nhà kinh tế cho biết áp lực lạm phát, sự bất ổn tài chính và nhân khẩu học không thuận lợi sẽ cản trở tăng trưởng. Thêm vào đó, dân số già sẽ làm suy yếu lực lượng lao động ở các nền kinh tế tiên tiến. Ngoài ra, những hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19, bao gồm cú sốc đối với nguồn nhân lực sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Xung đột Ukraine làm gia tăng bất ổn và đầu tư giảm hơn nữa, đặc biệt là ở châu Âu. Căng thẳng địa chính trị kể từ năm 2010 đã khiến thương mại toàn cầu hầu như không tăng trưởng. Ông Ayhan Kose, chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới cảnh báo sự kết hợp của những yếu tố trên có nghĩa là “kỷ nguyên vàng của sự phát triển dường như sắp kết thúc”. Theo các chuyên gia kinh tế hậu quả có thể là “một thập kỷ tăng trưởng thế giới bị đánh cắp”.
(Ảnh minh họa - KT)
Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới lưu ý tăng trưởng GDP tiềm năng có thể được đẩy lên tới 2,9% nếu các quốc gia tập trung chính sách vào việc tăng nguồn cung lao động, tăng năng suất và khuyến khích đầu tư. Báo cáo cho biết năng suất tăng, thu nhập cao hơn và lạm phát giảm đã giúp 25% số quốc gia đang phát triển đạt được vị thế thu nhập cao trong 3 thập kỷ qua, nhưng những “động lực kinh tế” đó hiện không còn.
Để đảo ngược xu hướng tăng trưởng đầu tư và thương mại quốc tế trì trệ, các nhà hoạch định chính sách kêu gọi nên ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính và giảm nợ, đồng thời thúc đẩy các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu có thể tăng thêm 0,3% cho tiềm năng tăng trưởng hàng năm.
Thêm vào đó là giảm chi phí liên quan đến vận chuyển, hậu cần có thể thúc đẩy thương mại. Mở rộng xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số có thể dẫn đến tăng năng suất lớn, đồng thời nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động có thể nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu lên thêm 0,2% % mỗi năm đến năm 2030.WB và IMF cảnh báo, căng thẳng địa kinh tế, địa chính trị khiến "mọi người trở nên nghèo hơn và kém an toàn hơn”. Tổng giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến có trách nhiệm trong vấn đề nâng lãi suất cũng như bảo vệ sự ổn định tài chính.
“Quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ là cần thiết để chống lại lạm phát. Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn gây ra những khó khăn và gia tăng bất ổn đối với kinh tế thế giới. Những khủng hoảng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng tại một số nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới là minh chứng cho điều này. Các nhà hoạch định chính sách hành động quyết đoán để đối phó với rủi ro ổn định tài chính" - Tổng giám đốc điều hành IMF nói./.