Toà nhà Sailing Tower của CC1
Những chuyển biến đáng chú ý tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) diễn ra không lâu sau khi Bộ Xây dựng hoàn tất việc thoái vốn.
Cụ thể, vào cuối tháng 11/2020, cổ đông Nhà nước đã đem đấu giá toàn bộ 44,58 triệu cổ phần, tương đương 40,53% vốn của CC1, với mức giá khởi điểm 23.030 đồng/cổ phần.
Phiên đấu giá thu hút được tới 13 nhà đầu tư đăng ký tham gia, tất cả đều là các cá nhân. Kết quả, có 12 nhà đầu tư trúng đấu giá, với mức giá đấu thành công ở mức 23.031 đồng/cổ phần – tức chỉ nhỉnh hơn 1 đồng so với giá khởi điểm.
Thương vụ thoái vốn thuận lợi giúp Bộ Xây dựng thu về 1.026,8 tỉ đồng sau nhiều năm trễ hẹn.
Theo tính toán của VietTimes, bình quân các nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để sở hữu cổ phần CC1. Dù vậy, dường như không nhà đầu tư cá nhân nào muốn trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Bởi lẽ, báo cáo kết quả đấu giá cho thấy khối lượng đặt mua chỉ dao động từ 2,8 triệu cổ phần (tương đương 2,5% VĐL CC1) tới 4,2 triệu cổ phần (tương đương 3,8% VĐL CC1). Mức giá đặt mua cao nhất cũng chỉ cao hơn 10 đồng so với giá khởi điểm, là 23.040 đồng/cổ phần.
CC1 sẽ về tay ai?
Trước khi Bộ Xây dựng thoái vốn, cơ cấu cổ đông của CC1 khá cô đặc, đa số cổ phần nằm trong tay các cổ đông tổ chức. Các quyết sách quan trọng của CC1 vì thế cũng chủ yếu do các cổ đông này quyết định.
Trong đó, nhóm cổ đông lớn và cũng là nhà đầu tư chiến lược nắm giữ tới 45% vốn của CC1, bao gồm: CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh (15% VĐL), CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (19% VĐL) và CTCP Top American Việt Nam (11% VĐL).
Dù là nhà đầu tư chiến lược, song các cổ đông này từ lâu đã không còn mặn mà với việc nắm giữ cổ phiếu CC1.
Danh sách cổ đông lớn của CC1 tại ngày 10/7/2020 (Nguồn: CC1)
Sau khi cổ đông Nhà nước triệt thoái vốn, ngày 11/12/2020, HĐQT CC1 đã thông qua việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, dự kiến diễn ra ngày 21/1/2021.
Trong đó, ĐHĐCĐ sẽ thông qua việc miễn nhiệm ông Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT và 2 thành viên HĐQT khác là ông Huỳnh Tấn Trí và ông Hoàng Trung Thanh.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng sẽ xem xét việc cổ đông chiến lược được tự do chuyển nhượng cổ phần sau 3 năm nắm giữ thay vì 5 năm so với cam kết trước đây; đồng thời, cho phép các cổ đông là người lao động trong CC1 được chuyển nhượng tư do cổ phần bị hạn chế theo năm công tác so với cam kết trước đây.
Đề xuất cho phép cổ đông chiến lược tại CC1 được tự do chuyển nhượng trước hạn không mới.
Như VietTimes từng đề cập, nội dung này đã được một cổ đông lớn và cũng là nhà đầu tư chiến lược của CC1 đề xuất bổ sung vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 25/5/2019. Tuy nhiên, đề xuất này được đại diện cổ đông Nhà nước đề nghị chưa xem xét, thông qua tại kỳ họp.
Thêm nữa, trong 2 năm trở lại đây, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVIF) còn mua vào lượng lớn cổ phần CC1, nâng tỉ lệ sở hữu lên mức 9,47% vốn điều lệ (tính đến ngày 10/7/2020).
Sự tham gia của một công ty quản lý quỹ như BVIF thường gặp ở nhiều thương vụ M&A trên thị trường chứng khoán, trong vai trò trung gian, "mua hộ" cổ phần. Do đó, tiếp sau cổ đông Nhà nước, nhiều khả năng các nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ thoái vốn khỏi CC1 để nhường bước cho các nhóm cổ đông mới.
CC1 có gì? Thành lập từ năm 1979, CC1 hoạt động tích cực trong lĩnh vực xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và tham gia vào nhiều dự án hạ tầng giao thông, năng lượng theo hình thức PPP (BT, BOT). Sau nhiều năm hoạt động, tổng công ty này đã sở hữu loạt dự án và quỹ đất đáng nể, chủ yếu tại Tp. HCM. Trong đó, có thể kể tới Toà nhà Sailing Tower tại số 51 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 (2.964 m2), Khu dân cư Hạnh Phúc tại Lô 11B Khu đô thị mới nam HCM, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (260.400 m2); Khu căn hộ nhà ở xã hội CC1-Felix Homes tại thửa đất số 564, tờ bản đồ số 1, đường Nguyễn Văn Dung, Phường 6, Quận Gò Vấp (2.931,6 m2); Trạm trộn bê tông tại Km 7, Xa lộ Hà Nội, Phường Trường Thọ, Quận Thủ Đức (9.927,4 m2); Thửa đất số 201-4, tờ bản đồ số 20 tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè (9.551,2 m2). Ngoài ra, CC1 còn sở hữu khu đất rộng 901 m2 tại số 23/2 đường khu II, thôn Ngọc Hà, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đáng chú ý, CC1 cũng là một nhà thầu quen mặt, chuyên thi công xây lắp các công trình năng lượng tại thị trường phía Nam, với hàng loạt dự án lớn như: Thủy điện lớn như Trị An (440MW), Thác Mơ (150MW), Hàm Thuận – Đa Mi (475MW), Buôn Kuốp (280MW), Buôn TuaShra (86MW), Đắkr’tih (144MW) và các nhà máy Nhiệt điện lớn như Phú Mỹ (1.800MW), Ô Môn (330MW), Nhơn Trạch 1 (450MW), Nghi Sơn 1 (600MW). Năm ngoái, tại ĐHĐCĐ thường niên, các cổ đông của CC1 đã phê duyệt lại chủ trương phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu, có kỳ hạn từ 3 năm đến 10 năm. Nguồn vốn huy động được dự kiến để rót vào 4 dự án mà CC1 đang đầu tư triển khai, bao gồm: (1) Dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua địa phận Hải Phòng và 9 km tỉnh Thái Bình (Tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng, vốn vay 2.150 tỉ đồng); (2) Dự án Khu dân cư Hạnh Phúc tại số 11B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp. HCM các giai đoạn tiếp theo (Tổng mức đầu tư 3.350 tỉ đồng, vốn vay 2.680 tỉ đồng); (3) Dự án nhà máy điện gió Hàm Kiệm (Tổng mức đầu tư 698 tỉ đồng, vốn vay 558 tỉ đồng); và (4) Dự án Tổng kho trung chuyển miền Đông (Tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng, vốn vay 3.600 tỉ đồng)./. |
Tác giả: Nguyễn Ánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy