Dòng sự kiện:
Bộ Y tế đưa tên hàng chục tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 thấp
03/07/2022 18:37:22
Ngày 3/7, Bộ Y tế đã tiếp tục thông tin về tình hình tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi; trong đó Bộ Y tế nêu tên hàng loạt tỉnh tiêm mũi 3 và mũi 4 thấp.

Báo cáo của Bộ Y tế về kết quả tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người trên 18 tuổi cho biết, đến nay cả nước đã tiêm 45.436.997 mũi 3 (đạt tỷ lệ 67,7%)

Các tỉnh, thành phố tiêm thấp dưới 45% là: Hải Phòng (43,1%); Khánh Hòa (42,0%); Đồng Nai (43,6%); Cà Mau (39,0%); Hậu Giang (35,1%).

Các tỉnh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cao là: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).

Khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4, chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại. Ảnh: Trần Minh

Về kết quả tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 đến nay cả nước đã tiêm được 4.617.673 mũi (đạt tỷ lệ 6,9%). Các tỉnh tiêm thấp gồm: Phú Thọ (1,2%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,4%); Nghệ An (1,5%); Quảng Nam (2,3%); Đồng Tháp (2,3%).

Có 3 tỉnh tiêm mũi 4 cao gồm: Bắc Giang (24,7%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).

Đối với kết quả tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 của nhóm từ 12-17 tuổi, đến nay tổng số mũi tiêm là 922.265 mũi (đạt tỷ lệ 10,5%), tăng khoảng 110.000 mũi tiêm so với kết quả Bộ Y tế công bố sàng 1/7.

Các địa phương tiêm mũi 3 cho trẻ trong độ tuổi này thấp gồm: Miền Bắc (14 tỉnh): Hà Nội; Nam Định; Hà Nam; Bắc Giang; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Yên Bái; Điện Biên; Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận; Miền Nam (9 tỉnh): Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Đồng Tháp; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.

Các tỉnh Thanh Hóa (46,1%); Tây Ninh (47,0%) và Bến Tre (43,7%) là 3 địa phương tiêm nhắc cho trẻ từ 12-17 tuổi tốt.

Hiện có không ít người dân lo ngại về việc tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine COVID-19 sẽ có phản ứng phụ mạnh hơn các mũi trước đó, về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng mỗi cơ thể sẽ có phản ứng với vaccine ở mức độ khác nhau.

"Trong 4 mũi tiêm thì tiêm mũi 3, mũi 4 có ý nghĩa nhắc lại lần 1, lần 2 nên ở giữa mức phản ứng của mũi 1, mũi 2. Ví dụ như vaccine Pfize thì tiêm mũi 2 phản ứng hơn mũi 1 còn mũi 3, mũi 4 ít phản ứng hơn mũi 2"- GS.TS Phan Trọng Lân cho biết.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng nhiều người có tâm lý lo lắng hoặc do tác động của cuộc sống, trùng hợp với thời điểm tiêm chủng nên có sự nhầm lẫn mệt mỏi, sức khỏe suy giảm do sau khi tiêm vaccine COVID-19. 

Vaccine là thành tựu của y học, trước khi tiêm đã được nghiên cứu thí nghiệm, thậm chí khi đã tiêm vẫn được tiếp tục nghiên cứu. Trong vòng 2 năm qua hàng tỷ liều vaccine đã được sử dụng, được sự giám sát rất chặt chẽ của mỗi người dân, của các cơ quan y tế và của Tổ chức Y tế Thế giới.

"Chỉ cần một sự bất thường nào đấy ở vùng nào đấy, lập tức sẽ dừng trên toàn cầu với vaccine được sử dụng. Nói vậy để thấy rằng vấn đề an toàn, vấn đề hiệu quả luôn được theo dõi, giám sát; có sự bất thường thì người ta sẽ phanh lại một cách kịp thời"- GS.TS Phan Trọng Lân nêu rõ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới biến thể BA.5 đang lây lan nhanh trên thế giới và hiện biến thể này đã xâm nhập vào nước ta. Để phòng bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

"Vì vậy, vaccine tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại"- Cục trưởng Phan Trọng Lân nói.

Tác giả: Thái Bình

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến