Khi chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B, người bệnh sẽ không được điều trị miễn phí, người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã cho biết như vậy trong Tọa đàm trao đổi về truyền thông y tế, diễn ra chiều 14/6 tại Hà Nội.
Chuyển đổi trong thanh toán viện phí
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phân tích hiện nay Bộ Y tế đang chỉnh sửa các hướng dẫn chuyên môn về điều trị, phòng chống lây nhiễm. Bộ Y tế đang cùng Bộ Tư pháp tham mưu Thủ tướng để có quyết định chuyển đổi này cuối tháng 6.
Theo bà Hương, việc chuyển này sẽ thay đổi trong thanh toán chi trả viện phí, còn phác đồ và phương thức điều trị vẫn như bình thường. Việc chuyển nhóm COVID-19 sẽ kéo theo một chuỗi công việc cần giải quyết khi người bệnh sẽ không được điều trị miễn phí mà phải chi trả tiền khám chữa bệnh. Trách nhiệm của các địa phương lớn hơn, cần phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh vững, lồng ghép giám sát COVID-19 với các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
Nhóm A là danh mục các bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong. Từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019, COVID-19 được xếp vào bệnh nhóm A, Chính phủ công bố dịch vào đầu tháng 4/2020, từ đó áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch.
Phân loại COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, đồng nghĩa với việc xem đây là bệnh thông thường, bệnh lưu hành hàng năm và là một bước tiến tới tuyên bố hết dịch.
Ông Hà Anh Đức - Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết căn cứ tình hình diễn biến dịch tại Việt Nam, đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B với ba lý do.
Thứ nhất, theo WHO, SARS-CoV-2 vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà.
Thứ hai, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là do SARS-CoV-2.
Ông Hà Anh Đức - Chánh văn phòng Bộ Y tế phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thứ ba, bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ngày 3/6, tại Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo chống dịch Quốc gia thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Do đó, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh nhóm bệnh COVID-19; hoàn thiện Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 đồng thời hướng dẫn triển khai tiêm vaccine COVID-19 phù hợp tình hình các địa phương.
Vẫn đẩy mạnh giải trình tự gene
Cũng về vấn đề này, Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết sẽ rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 phù hợp tình hình dịch. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam luôn giám sát đồng bộ về tình hình dịch bệnh.
“Hoạt động giám sát COVID-19 sẽ được lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát cúm trọng điểm. Mục đích là khi bệnh có biến đổi bất thường, chúng ta có thể phát hiện nhanh chóng, nhất là khi có biến thể mới. Đặc biệt, công tác giải trình tự gene virus vẫn tiếp tục tiến hành đồng thời giám sát các ca viêm phổi nặng, bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường; bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại cơ sở y tế,” Giáo sư Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo Cục trưởng Phan Trọng Lân, khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cho thấy phân loại dựa trên bệnh học là chủ yếu. Tại Việt Nam, nhóm A chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội - hay nói cách khác là nếu nhóm A thì ngoài ngành y tế sẽ có các bộ, ngành cùng tham dự chống dịch. Còn khi sang nhóm B thì chủ yếu là ngành y tế triển khai.
Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc COVID-19, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%).
Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn; tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy