Theo CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai, tổ chức hoạt động lừa đảo này được dàn dựng hết sức tinh vi, có kịch bản phân công, phân cấp, phân vai rất chặt chẽ, cụ thể, chi tiết cho từng thành viên, với ý đồ bằng mọi cách đưa nạn nhân vào bẫy để chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói là, trong số những nhân viên được Công ty này thuê để lừa đảo khách hàng có rất nhiều sinh viên.
Nhiều nhân viên Công ty Lộc Phúc bị đưa về Cơ quan điều tra
Qua công tác nắm tình hình và tiếp nhận phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai ghi nhận nhiều tố cáo liên quan đến Công ty Lộc Phúc (địa chỉ tại số 34 Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lập dự án "ma" trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Giá một lô đất chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng đã được các "nhà tổ chức" vẽ lên dự án để chào bán với giá từ 2 đến 3 tỷ đồng. Chuyên án đấu tranh đã được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai xác lập.Sáng 31-8, Ban Chuyên án phát hiện các đối tượng trong Công ty Lộc Phúc đang tổ chức "sự kiện", mở “sàn giao dịch” tại một dự án "ma” trên địa bàn xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Hoạt động vi phạm của Công ty Lộc Phúc bị bắt quả tang
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, hàng trăm CBCS thuộc nhiều lực lượng đã triển khai các tổ công tác ập vào khống chế, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn An (SN 1996), Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc, cùng gần 200 đối tượng liên quan (gồm nhân viên công ty và khoảng 20 đối tượng được thuê đóng giả khách hàng, và 43 khách hàng là nạn nhân của Công ty). Ngay sau đó, tất cả được đưa về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai để phục vụ công tác đấu tranh.
Cùng thời điểm, một tổ công tác khác của Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với CATP Hồ Chí Minh đã tiến hành khám xét trụ sở Công ty Lộc Phúc, niêm phong, thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỷ đồng, khoảng 18.000 Yên (tiền của Nhật Bản); 3.500 USD; hơn 24 "cây" vàng; 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi; 5 xe ô tô loại 52 chỗ...
Tang vật vụ án
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, khoảng tháng 6-2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản một số dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Để đưa nạn nhân vào tròng, Công ty tuyển cả trăm sinh viên làm thêm, sinh viên thực tập làm nhân viên cấp dưới, sau đó, hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội tìm những căn nhà đẹp ở TP.HCM chụp ảnh, đăng trên website của Công ty và trang web "Chợ tốt" để giới thiệu bán.
Từ đây, nhiều người dân có nhu cầu mua nhà đã tìm và liên hệ với Công ty. Khi đó, bộ phận nhân viên cấp trên của những sinh viên này sẽ liên lạc lại với khách hàng bằng sim điện thoại rác do Công ty phát. Mỗi khách hàng, chúng chỉ sử dụng 1 sim, rồi bỏ. Khi khách hàng yêu cầu được đi xem mua nhà ở TP.HCM thì các đối tượng hẹn họ đến một quán cà phê đã định trước, rồi đưa họ lên xe ô tô 52 chỗ ngồi, kéo rèm che kín xe và tổ chức trò chơi có thưởng để nạn nhân yên tâm đang được chở đi xem nhà, nhưng thực chất bị các đối tượng ép buộc phải đi xem đất tại các “dự án ma”.
Lúc này, trên xe ô tô, nhóm đối tượng cầm đầu đã thuê và bố trí sẵn những người thất nghiệp, lớn tuổi và những người chuyên đóng vai quần chúng của những bộ phim truyền hình, có... khả năng diễn xuất tốt, để làm "chân gỗ". Số "chân gỗ" này tiếp cận khách hàng trên xe, giả làm người mua bất động sản để tạo sự gần gũi, đồng cảm, rồi lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cùng tham gia giao dịch.
Khi đến dự án do chúng tự dựng ra, nhân viên của Công ty và các "chân gỗ" luôn áp sát, tiếp cận để đồng hành với khách hàng. Đồng thời, đối tượng cầm đầu bố trí hàng chục nhân viên vây quanh khách hàng để giới thiệu sản phẩm với giá trị cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của lô đất, liên tục thúc ép nạn nhân đặt cọc và tác động tâm lý làm cho khách hoang mang không có sự lựa chọn nào khác.
Cùng với đó" chân gỗ" sẽ góp tiền với khách hàng đặt cọc các lô đất để được hưởng “chiết khấu giả”. Khi khách hàng đồng ý đặt cọc (thông thường khoảng 100 triệu đồng), "chân gỗ" sẽ đặt cọc theo nhằm động viên khách hàng mua đất bằng được.
Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng được đưa lên một xe ôtô loại 7 chỗ và đi cùng "chân gỗ", Trưởng phòng kinh doanh, nhân viên tư vấn khách hàng về lại Công ty để tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc từ 60% - 70% giá trị giao dịch trên lô đất đó.
Trường hợp khách hàng phát hiện ra lô đất đó cao hơn giá trị thực tế, yêu cầu trả lại cọc, sẽ bị nhân viên từ chối. Khi đó, khách hàng muốn được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì buộc phải thanh toán hết số tiền còn lại mới được làm hợp đồng công chứng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, có nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng không phải ở vị trí đã được Công ty đưa đến xem và đặt cọc lúc đầu mà là ở vị trí khác, cách xa hàng chục ki lô mét, giá trị cũng thấp hơn rất nhiều. Trường hợp khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc.