Dòng sự kiện:
Bơm 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội
10/04/2020 20:44:38
Theo nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kì tháng 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do NHNN chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kì tháng 3 về tình hình dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2020.

Một trong những nội dung đáng chú ý được nêu ra trong nghị quyết là giải pháp cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Cụ thể, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nghị quyết đồng ý cho Bộ Kế hoạch và đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo nghị quyết số 71 của Quốc hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.

Bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho ngân hàng 

Trước đó, hồi đầu năm,Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2734 về mức lãi suất của các NHTM áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.

Cụ thể, mức lãi suất của NHTM áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo qui định tại Thông tư số 11, Thông tư số 32 và Thông tư số 25 là 5,0%/năm.

Mức lãi suất cho vay 5% hiện đang thấp hơn từ 1,5 - 3%/năm so với lãi suất huy động tiền gửi tại kì hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại.

Cũng liên quan đến vấn đề tài chính của các ngân hàng, ngày 8/40, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020 quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. 

Trong đó, đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế lần này có bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo qui định của NHNN theo Thông tư 01.

Đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch Covid-19; hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Trong đó ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, giãn hoãn nợ; ban hành các chính sách giãn, hoãn thuế, phí; ngành công thương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sớm đưa vào vận hành các dự án, công trình công nghiệp quy mô lớn; ngành nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực; ngành giáo dục đẩy mạnh giảng dạy trực tuyến qua truyền hình...

Nghị quyết cũng yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, kể cả xử lý theo quy định của pháp luật hình sự đối với những hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Được biết, kể từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ kết thúc vào tháng 6/2016, hàng loạt dự án nhà ở xã hội thiếu vốn nên chậm trễ tiến độ, người dân vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua nhà ở xã hội.

Theo đó, một trong những vấn đề trọng tâm được hiệp hội đề xuất tại kiến nghị lần này là vấn đề nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Căn cứ Luật Nhà ở, hàng năm,nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3% - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.

Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3% - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội tuy nhiên thực tế 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn.

"Hiệp hội kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối", văn bản nêu.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến