Làm thế nào để họ bớt đắm chìm trong thế giới ảo mà bước ra đời thực, sống một cuộc đời thực? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ khoa học Trần Văn Hùng (ảnh - chuyên gia bảo mật trong và ngoài nước, sáng lập Lớp học xanh Sơn Nam).
Nghiện mạng xã hội làm cho quan hệ con người dở đi
Vốn là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông nhận thấy mạng internet có sức hút lẫn cám dỗ như thế nào?
Internet cùng những trò chơi trên đó có sức hút rất cao. Trước hết, nó có thiết kế bắt mắt, thách thức và tạo nhiều cơ hội, tình thế… cho người tham gia. Thứ hai, nó chọc vào tính tò mò của lớp trẻ, đặc biệt là tuổi teen với tâm sinh lý đang phát triển mạnh, dễ thỏa mãn tính tò mò mà không bị kiểm soát.
Thứ ba, do chỉ chơi với mạng và máy tính hoặc điện thoại di động mà tôi gọi là chơi với “cục sắt”, nên người chơi về nguyên tắc không bị chịu trách nhiệm gì, thắng thua cũng không sao. Trong khi đó, các trò chơi dân gian hoặc các môn thể thao ngoài đời đòi hỏi phải tập luyện, phải chịu trách nhiệm...
Theo ông, hệ lụy của việc suốt ngày cắm mặt vào những “cục sắt” đó là gì?
Do ngồi miệt mài hàng tiếng đồng hồ và không thiết đến ăn uống khiến thể chất của người chơi như mắt, cột sống, dạ dày đều bị ảnh hưởng. Hệ lụy kéo theo là học hành hoặc làm việc rất kém. Đặc biệt, với những người nghiện game, tâm lý của họ rất bất ổn, dễ buồn chán, nói dối tăng. Thẩm mỹ của họ cũng có thể méo mó, tính tình hung hăng bởi chủ yếu trong các game là bắn phá, giết nhau.
Trong game, mọi người cưới nhau, bỏ nhau thoải mái nên khái niệm về gia đình, tình yêu thiêng liêng là điều xa vời. Nghiêm trọng hơn là sự nhập vai vào các game, thậm chí có thể hóa thân gây án mạng.
Tình trạng nghiện mạng xã hội cũng làm cho quan hệ con người dở đi. Tôi từng ngồi ở quán cà phê nghe một cô gọi điện rủ bạn ra uống cà phê. Lát sau có 4 - 5 cô ra thật nhưng gọi cà phê xong thì chẳng cô nào ngồi uống với cô nào cả, bởi mỗi cô ôm một cái máy.
Nhiều trẻ kể với tôi rằng khi cả nhà ăn cơm, thỉnh thoảng bố mẹ lại chát chít, post cái này cái kia trên mạng. Ngay cả bố mẹ cũng chẳng tập trung ăn cơm thì còn gì là bữa cơm gia đình nữa!
Người trẻ phải sống thật, phải rèn luyện những kỹ năng thật, bởi vì cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước. ẢNH: Đ.N.T
Theo một chuyên gia trị liệu cho người nghiện mạng xã hội ở Mỹ, việc nghiện mạng xã hội còn tệ hơn lạm dụng rượu và ma túy, bởi vì nó hấp dẫn hơn và không bị kỳ thị như các loại nghiện kia. Điều đó dẫn theo việc trị liệu cũng khó khăn hơn. Ông nghĩ sao về điều này?
Nghiện cái gì cũng không tốt, kể cả nghiện chocolate. Theo tôi, cả ba hình thức nghiện này đều rất nguy hiểm và mọi người cần phải tránh. Riêng với mạng xã hội, tôi cho rằng hiện nay nó đã trở thành xu thế rồi, người ta dùng liên tục, không cấm được. Nó cũng như cái chợ, có chợ tốt chợ xấu. Cho nên, làm sao định hướng những mặt tích cực, để người ta sử dụng có kiểm soát. Trung bình mỗi ngày vào mạng chơi khoảng 30 phút là có thể chấp nhận, còn chơi từ 3 tiếng trở lên thì coi như bị nghiện rồi.
Phải “trám” bằng các thứ khác ở ngoài đời
Với những người trẻ thường xuyên sống ảo, làm thế nào để họ có thể bước ra đời thực, sống thực nhiều hơn?
Cái ảo là những gì xảy ra trong máy tính, trên màn hình. Còn cái thật là thiên nhiên, là cuộc sống và con người thật bên ngoài. Chúng ta muốn sống thật, muốn buông bỏ bớt game, mạng xã hội này nọ thì phải trám các thứ khác ở ngoài đời vào, chẳng hạn như thể thao, du lịch. Khi sống với đời thật thì bất kỳ trò chơi dân gian nào, môn thể thao nào cũng giúp phát triển rất nhiều thứ: thể lực, mắt, tay chân, ngôn ngữ, trí tuệ, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn...
Một trong những cách trị liệu hiệu quả để bứt khỏi những cơn nghiện trên màn hình là tìm về thiên nhiên thật nhiều. Nên tham gia những hoạt động ngoài đời như làm từ thiện, sinh hoạt tập thể... để giúp phát triển tâm hồn và trí tuệ.
Theo tôi, vai trò của bố mẹ quan trọng hơn bao giờ hết. Phải tăng thời gian nhiều nhất để các em sống đời thật, cho các em tham gia hoạt động trải nghiệm tất cả những gì ở đời thật mà trẻ có thể thích. Đặc biệt là làm sao tạo nội lực mạnh mẽ, biết phân biệt đúng sai trong nhận thức của mỗi em.
Mấy năm nay, ông trực tiếp đứng lớp cai nghiện game online cho nhiều trẻ em. Theo ông, làm thế nào để không bị tái nghiện?
Tôi cho rằng nguyên nhân dẫn trẻ đến nghiện game cũng như trở nên khó dạy chủ yếu đều do người lớn. Bố mẹ các em cũng nghiện những thứ đó và trở thành tấm gương xấu đối với con.
Rõ ràng, chính bố mẹ làm hỏng các em. Vì vậy, tôi dạy các em phải thay đổi bản thân mình trước. Khi nào các em đủ mạnh về mặt tâm hồn, nhận thức, các em có thể tác động ngược lại đến bố mẹ. Mặt khác, cần trám vào thói quen chơi game, mạng xã hội bằng việc liên tục tạo môi trường thực cho trẻ tham gia, trải nghiệm như chơi thể thao, đi du lịch, lao động, nuôi thú trong nhà và tất cả những sở thích khác. Khi đã vượt qua được quãng thời gian khó khăn (thường là 1 - 2 năm), các em sẽ ổn.
Điều mà ông muốn khuyên người trẻ là gì?
Tôi muốn nhắn nhủ với bạn trẻ là sống ảo thì tất cả cũng chỉ là ảo thôi, tình yêu, bạn bè, tiền bạc đều ảo, rồi lừa nhau loạn xạ trên mạng. Cuối cùng, chúng ta cũng vẫn phải sống thật, phải rèn luyện những kỹ năng thật, bởi vì cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước. Nếu cứ mãi đắm đuối trong game, trong mạng xã hội, chúng ta chỉ có thể già đi nhưng không trưởng thành.
Ý kiến Ngưng sống ảo sẽ tốt hơn nhiều Thế giới online có cả triệu người để quen và cả tỉ thứ để học. Do đó, online nhiều không hẳn là xấu, quan trọng là người trẻ online để làm gì, học được gì và thời gian có làm ảnh hưởng đến gia đình, việc học, việc làm và sức khỏe hay không. Nếu tự cảm thấy bản thân đang bị nghiện online, hãy hạn định thời gian sử dụng internet mỗi ngày (ví dụ dưới 60 phút), ấn định sẽ online trong khung giờ từ mấy giờ đến mấy giờ để tạo thành thói quen. Công bố sẽ hạn chế online và đặt máy tính ở nơi mọi người dễ dàng nhìn thấy. Sử dụng một đồng hồ báo thức để nhắc nhở đã đến giờ tắt máy vi tính hoặc dùng phần mềm quản lý tự ngắt. Công bố trên Facebook chỉ online từ mấy giờ đến mấy giờ, hoặc công bố sẽ không post bài mới để bạn bè giám sát... Chịu khó động não và liệt kê ít nhất 10 loại hình hoạt động bổ ích thú vị mà ta có thể tham gia tại nhà hay ngoài trời, như: đi học kỹ năng sống, học các lớp năng khiếu, về thăm quê, đi picnic, chơi môn thể thao yêu thích... Kết nối với những người thật, giúp mang đến cảm xúc thật, để những phút giây gia đình và gặp gỡ hấp dẫn hơn thế giới online. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM) Thanh Nam (ghi) |
Theo Thanh Niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy