Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) dự kiến sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) trong quý III tới đây, sau Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và khi đã đáp ứng các quy định hiện hành.
Đây là thông tin được Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương công bố tại buổi làm việc với đại diện Quỹ Dragon Capital. Theo Tổng Giám đốc BSR, kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 1/2018 đến nay, BSR đã sản xuất kinh doanh hiệu quả (trừ năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực từ tác động kép của đại dịch COVID-19 và giá dầu thế giới giảm sâu).
Cụ thể, doanh thu cả năm 2022 của BSR ước đạt 165.500 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 18.048 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 12.176 tỷ đồng. Như vậy, các chỉ tiêu tài chính của BSR năm 2022 đã có mức độ tăng trưởng cao so với năm 2021 với con số tăng trưởng doanh thu, nộp ngân sách và lợi nhuận sau thuế tương ứng là 64%, 65% và 83%. 2022 cũng là năm BSR đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất sau khi IPO.
Bước sang 2023, BSR xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên kịch bản cơ sở với giá dầu thô trung bình 70 USD/thùng, sản lượng tạm tính là khoảng 5,6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 95.545 tỷ đồng, giảm 43% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 89% so với cùng kỳ xuống còn 1.628 tỷ đồng.
Riêng công ty mẹ, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 95.371 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.721,5 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 3%, tương ứng 930 tỷ đồng.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, BSR đang triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2023.
Theo đó, BSR sẽ bám sát dự báo giá dầu mỏ thế giới, cung cầu thị trường trong nước để xây dựng các kịch bản kinh doanh và có giải pháp ứng phó phù hợp. Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tiêu thụ tối đa dầu thô trong nước nhằm tăng lợi ích của chuỗi liên kết trong ngành. Thường xuyên đảm bảo vận hành Nhà máy an toàn, ổn định, liên tục và hiệu quả; kiểm tra, phát hiện sớm các mối nguy và triển khai các giải pháp kiểm soát rủi ro, nhất là đối với các thiết bị quan trọng của Nhà máy.
Người lao động BSR. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh đó, BSR linh hoạt điều chỉnh công suất Nhà máy, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường và giá sản phẩm; tối ưu hóa năng lượng và sản xuất; trong đó tìm kiếm, đánh giá và chế biến thử nghiệm dầu thô mới và nghiên cứu triển khai thử nghiệm tăng công suất phân xưởng công nghệ cũng như sản xuất sản phẩm PP chủng loại mới. Đặc biệt, phát huy tối đa việc sử dụng các nguồn lực tại chỗ trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, giảm thiểu sử dụng các dịch vụ kỹ thuật bên ngoài để tiết giảm chi phí...
Trước đó, BSR vừa công bố tờ trình việc niêm yết chứng khoán, cho biết công ty chưa thể thực hiện việc niêm yết cổ phiếu do chưa đủ điều kiện về hồ sơ niêm yết.
Trong 9 điều kiện, công ty đã đáp ứng được 8 điều kiện, còn duy nhất một điều kiện công ty chưa đáp ứng được, đó là: "không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết". Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể việc xem xét nợ phải trả quá hạn này nên BSR tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để làm rõ việc xem xét điều kiện niêm yết này./.
Tác giả: Anh Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy