Dòng sự kiện:
Bức tranh vay nợ của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi
16/05/2023 18:03:26
Bên cạnh những yếu tố tác động từ thị trường như giá thịt heo giảm mạnh, doanh nghiệp chăn nuôi vẫn phải "gánh" trên vai một nỗi lo mang tên chi phí lãi vay.

Doanh nghiệp lao đao vì lãi vay

Ghi nhận lỗ kỷ lục ngay trong quý đầu tiên năm 2023, Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) cho biết, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm.

Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những yếu tố trên, ngay trong quý đầu năm, Dabaco đã ghi nhận khoản chi phí tài chính tới 70 tỷ đồng, tăng 34% so với quý I/2022, chủ yếu đến từ lãi vay.

Chi tiết hơn về các khoản vay, tại ngày 31/3/2023, Dabaco đang sở hữu 5.201 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, tăng 13% so với số đầu năm. Theo đó, dù không còn ghi nhận 150 tỷ đồng nợ trái phiếu nhưng Dabaco phát sinh tới 275% so với số đầu năm lên 769 tỷ đồng.

Không chỉ với Dabaco, lãi vay tăng mạnh cũng là câu chuyện “đau đầu" của ông chủ thương hiệu heo ăn chay. Theo đó, quý I/2023, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận lợi nhuận chạm đáy, “bay màu” tới gần 96% chỉ còn vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2023 dư nợ tính của BAF ở mức 4.090 tỷ đồng, tăng 40% so với số đầu năm. Đi sâu hơn nữa, điểm đáng chú ý là tổng nợ vay của BAF đã tăng vọt gần 54% lên 1.473 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng chủ yếu đến từ việc công ty ghi nhận thêm 437 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (trong khi đầu năm không ghi nhận).

Thuộc nhóm các doanh nghiệp trong mảng chăn nuôi, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HoSE: HAG) cũng không nằm ngoài vòng xoáy nợ vay. Quý I/2023, doanh nghiệp của bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL) ghi nhận 167 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Khoản chi tài chính không biến động nhiều là do trong kỳ, các khoản nợ của HAGL gần như đi ngang. Theo đó, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023, dư nợ phải trả của HAGL ở mức 15.253 tỷ đồng.

Tổng cộng HAGL đang sở hữu khoản vay trị giá 8.144 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Nếu so với các doanh nghiệp cùng ngành, HAGL sở hữu khoản nợ vay lớn nhất, tuy nhiên đây là con số tích cực so với khoản vay 28.000 tỷ đồng nợ ngân hàng trước đó của công ty.

Cụ thể, số nợ vay trên bao gồm 1.221 tỷ đồng vay ngắn hạn tại 3 ngân hàng; 1.190 tỷ đồng vay dài hạn tại 4 ngân hàng; 5.542 tỷ đồng tiền trái phiếu; 175 tỷ đồng vay nợ cá nhân, tổ chức khác.

Thông tin về tình hình hoạt động của công ty, tại ĐHCĐ thường niên 2023, chia sẻ với cổ đông về thị trường thịt heo năm 2023, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng thời điểm này ngành heo không có lãi. Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của công ty không có lãi mảng này.

Tuy nhiên, HAG cũng có lợi thế khi mảng trồng của công ty lại bổ sung thức ăn cho heo với giá thấp nhất thị trường, giúp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Do đó, năm 2023, nếu giá heo ở mức 55.000 đồng/kg thì sẽ có lãi.

Kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp chăn nuôi

Trước bối cảnh khó khăn của nhiều doanh nghiệp, trong tâm thư gửi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Ðồng Nai đã đề nghị ngân hàng có chính sách gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19 cho ngành chăn nuôi; tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các vùng chăn nuôi trọng điểm để duy trì hoạt động.

Giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng mà ngành ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt với tinh thần đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Chính vì vậy, ngày 23/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19.

Điểm nhấn của Thông tư 02 so với các thông tư cơ cấu lại nợ trước đó là thông tư cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền chủ động trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.

“Như vậy, các khoản nợ đến hạn, các khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ. Ðây là chính sách rất kịp thời, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới, cung ứng nguồn hàng, việc tiêu thụ sản phẩm đình trệ”, Phó Thống đốc Ðào Minh Tú đánh giá.

Tác giả: Nguyễn Phương Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến