Dòng sự kiện:
Bùi Tiến Dũng - cậu bé nghèo mê đá bưởi đến thủ thành xuất sắc của U23 Việt Nam
21/01/2018 20:10:04
Chàng thủ thành điển trai Bùi Tiến Dũng đã trở thành người hùng trong lòng hàng triệu người hâm mộ bóng đá sau khi U23 Việt Nam chiến thắng Iraq.

Niềm vui nhân đôi

Sau chiến thắng vang dội của đội tuyển U23 Việt Nam trước đội bóng mạnh Iraq, người hâm mộ cả nước dường như rơi vào trạng thái “lên đồng” vì quá hạnh phúc, quá tự hào và sung sướng với thành tích lịch sử của đội bóng nước nhà.

Hai anh em ruột Tiến Dũng và Tiến Dụng

Trong số các cầu thủ, người hâm mộ cả nước đổ dồn mọi sự chú ý vào chàng thủ thành điển trai sinh năm 1997 là Bùi Tiến Dũng. Quê nhà của Dũng ở làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trong những ngày này lúc nào cũng rộn ràng như có hội. Đâu đâu cũng nhắc tên “thằng cu Dũng” cùng đội tuyển U23 Việt Nam.

Ở quê nhà, gia đình Dũng vẫn chăn nuôi như bao gia đình nông thôn khác

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, rất đông người đang cười nói vui vẻ. Họ là những người chú, bác, hàng xóm của gia đình Dũng đến để trò chuyện và chia sẻ niềm vui với nhau.

Dũng sinh ra trong một gia đình người Mường, bố mẹ làm nông nghiệp nên điều kiện hết sức khó khăn. Từ khi bước vào làng bóng đá, cứ có tiền là Dũng gửi về giúp đỡ bố mẹ.

Ông Bùi Văn Khánh (53 tuổi, bố đẻ của Dũng) vui vẻ cho biết, ông có hai người con trai đều đang là cầu thủ, ngoài Bùi Tiến Dũng, còn có người em kém Dũng 1 tuổi là Bùi Tiến Dụng (SN 1998). Hiện nay Dụng cũng đang là cầu thủ gây được nhiều sự chú ý ở câu lạc bộ SHB Đà Nẵng.

Lúc 2 con trai còn nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng ông Khánh không có điều kiện để nuôi con học văn hóa cao hơn. Thấy con có đam mê với bóng đá nên chú Nguyệt (chú ruột của Dũng) bàn với ông Khánh gửi các cháu vào Công ty TNHH đào tạo bóng đá trẻ Thanh Tuấn ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) để Dũng và Dụng được đào tạo đá bóng và học văn hóa.

“Lúc nhỏ, Dũng và Dụng ham bóng đá vô cùng. Chúng thường lấy quả bưởi xanh để làm bóng đá. Nhà có cái tủ ly tôi đã phải thay kính biết bao lần vì chúng đá bưởi vào làm vỡ kính”, ông Khánh kể.

Năm 2009, chú Nguyệt xin cho Dũng vào trung tâm học đá bóng thì cậu em Bùi Văn Dụng cũng đòi đi theo. Nhưng lúc đó, Dụng còn nhỏ tuổi nên phải đợi tới 2010, cháu mới được vào công ty để học.

Tuy nhiên, sau một thời gian vào học ở trung tâm thì gia đình ông Khánh không đủ tiền đóng góp cho con nữa nên đành phải đưa Dụng về.

“Sau đó, chú Nguyệt bàn với tôi xin cho cháu vào Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF ở TP.Hồ Chí Minh. Còn cháu Dũng thì được chú Thanh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH đào tạo bóng đá trẻ Thanh Tuấn gửi về FLC Thanh Hóa thử việc. Thật may mắn là kể từ đó, mọi chuyện đều tốt đẹp đến với các con, cả 2 đều từng được gọi lên đội tuyển quốc gia. Những ngày cháu Dũng đi thi đấu cùng đội tuyển U23 Việt Nam, cả gia đình tôi lúc nào cũng trong trạng thái hồi hộp, lúc vui mừng, lúc nghẹt thở khi xem cháu cùng các đồng đội thi đấu”, ông Khánh chia sẻ.

Đam mê trái bóng từ trong máu

Ông Bùi Văn Nguyệt (41 tuổi, chú ruột của hai anh em Dũng và Dụng) cho biết, bản thân ông cũng rất mê bóng đá. Thấy 2 cháu từ nhỏ cũng bị mê hoặc bởi trái bóng tròn, ông luôn mong muốn định hướng cho các cháu được phát huy được tài năng của mình, vì thế đã tìm cách xin cho các cháu vào học ở các trung tâm đào tạo.

Ngôi nhà Dũng ở quê đang ngập tràn niềm vui và tự hào

“Trận đấu tối qua quả là tuyệt vời. Không chỉ riêng gì thằng cháu Dũng nhà tôi mà các cầu thủ khác đều thi đấu rất hay. Từ đêm qua đến giờ, bản thân gia đình và làng xóm lúc nào cũng vui mừng khôn xiết giống như đang mơ vậy”, ông Nguyệt hạnh phúc nói.

Cũng theo lời ông Nguyệt, năng khiếu bóng đá của hai anh em Dũng và Dụng có lẽ là được di truyền từ bố và chú. Vì cả ông Khánh và ông Nguyệt đều từng là cầu thủ nòng cốt của làng trong phong trào thể thao ở địa phương.

Bà nội của Dũng là bà cụ Phạm Thị Giáp năm nay đã 75 tuổi, mặc dù bà không hiểu gì về bóng đá nhưng thấy cháu trai trên tivi bà cũng ngồi theo dõi từ đầu đến cuối. Mỗi khi hình ảnh cháu xuất hiện trên truyền hình, bà không nén được xúc động vì nhớ và thương cháu.

Thấy cháu lăn xả với trái bóng, bà lại thót tim không phải vì lo Dũng không bắt được bóng mà lo cháu bị ngã, bị đau.

Cụ Giáp kể: “Ngày nhỏ, hai anh em cháu mê bóng đá lắm, lúc thì đá quả bưởi, lúc thì rủ nhau lấy lá chuối khô cuộn tròn lại làm bóng để đá, cứ cái gì có hình dáng tròn tròn là chúng nó đá. Không ngờ các cháu nó lại chững chạc, thi đấu cho quốc gia như bây giờ. Tôi rất mong sớm được gặp lại chúng nó”, cụ Giáp xúc động. 

Được biết, ngôi làng Bào là nơi sản sinh ra nhiều cầu thủ trẻ, hiện ngoài anh em Dũng, Dụng đang thi đấu chuyên nghiệp, còn có 3 cầu thủ trẻ nữa đang thi đấu trong màu áo của FLC Thanh Hóa.

Ông Nguyệt hào hứng khoe, đến trận bán kết, gia đình ông sẽ làm thịt nhím để mời anh em, họ hàng đến nhà cùng ăn và cùng xem tivi cổ vũ cho Tiến Dũng cũng như đội tuyển, cầu chúc cho U23 Việt Nam sẽ vững vàng tiếp tục mang lại vinh quang cho đất nước.

Lương Diễn
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến