Buôn lậu thuốc lá gây thất thu NSNN 9.000 tỷ đồng trong năm 2014
11/02/2015 15:34:08
ANTT.VN - Tình trạng buôn lậu thuốc lá trong năm 2014 diễn ra khá phức tạp và đã lan rộng trên phạm vi toàn quốc gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 9 tỷ đồng.

Tin liên quan

Phóng viên báo ANTT.VN đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, ông có thể cho biết thiệt hại do thuốc lá lậu gây ra trong năm 2014 là như thế nào? Con số thống kê cụ thể?

Năm 2014, thuốc lá lậu đã tăng lên 30-40% so với 2013, chiếm trên 27% thị phần với hơn 1 tỷ bao.

Diễn biến của thuốc lá nhậu lậu trở nên rất phức tạp; nếu như trước đây thuốc lá lậu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP.HCM, hiện nay đã xuất hiện lan tràn ở hầu hết các tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là HERO, JET (giá khoảng 14.000-18.000đ) thời gian qua đã xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng – 4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000đ), Golden Deer (9.000đ), Pin, Jun (9.500đ) Elephant,….

Theo Báo cáo của Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).

Thuốc lá lậu do trốn thuế TTĐB 65%, VAT 10%, thuế NK 135% nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng phân khúc). Đồng thời không phải in cảnh báo sức khỏe, không phải trích Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nên sẽ được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn chứ không giảm.

Tình trạng nhập lậu, buôn bán thuốc lá lậu trái phép, ngang nhiên là thách thức về an ninh trật tự xã hội. Thuốc lá lậu đã có những tác động tiêu cực đến tình hình SXKD, lao động việc làm, thu NSNN và sức khỏe người tiêu dùng:

Năm 2014, thuốc lá lậu gây thất thu NSNN hơn 9.000 tỷ đồng; Giảm sản lượng tiêu thụ hơn 20%; mất 27% thị phần; Hàng trăm nghìn lao động mất việc làm;

Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo kết quả phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu có một số độc tố cấm sử dụng, và hàm lượng Tar, Nicotine vượt mức cho phép nhiều lần.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam

Ông nhận định như thế nào về chiến công đột phá gần đây của lực lượng công an trong vụ bắt trùm buôn lậu Nguyễn Văn Tới?

Trong những ngày áp Tết Nguyên đán, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng ra quân và đã bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu lớn.

Ngày 3/1/2015, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt 62 nghìn bao thuốc lá tại Củ Chi; ngày 8/1/2015, C46, Bộ Công an và tổ công tác Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bắt giữ 52 ngàn bao thuốc lá tại Long An. Đáng nói, cả 2 vụ đều bắt giữ được đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây buôn lậu xuyên biên giới với thời gian dài.

Trước đây, chúng ta chủ yếu bắt giữ đối tượng chở thuê, vừa không thể truy cứu trách nhiệm hình sự vì số lượng bắt giữ ít, vừa không triệt phá được tận gốc đường dây buôn lậu. Con số được cơ quan chức năng thống kê cho thấy các vụ đã khởi tố chủ yếu chỉ liên quan đến ma túy, hàng cấm. Trong khi đó, các vụ liên quan tới buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế... rất ít vụ bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Hiện nay, tuyến biên giới Tây Nam, hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra rất nghiêm trọng khi hình thành hẳn các tụ điểm, đường dây chuyên vận chuyển tiêu thụ thuốc lá lậu với số lượng rất lớn.Việc chúng ta bắt giữ được các trùm đầu nậu là một sự răn đe cứng rắn đối với các đối tượng buôn lậu, thể hiện quyết tâm cao của các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an đã đưa Chỉ thị 30 của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống.

Đề xuất của ông dành cho các lực lượng chức năng trong việc chống phá các đường dây buôn lậu?

Có thể thấy rằng các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng quản lý thị trường, công an, bộ đội biên phòng, hải quan… đã có nhiều cố gắng trong công tác ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu và đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, Việt Nam do địa hình biên giới phức tạp, đối tượng buôn lậu thường vận chuyển trái phép thuốc lá qua các khu vực đường mòn, lối mở, hai bên cánh gà cửa khẩu, lực lượng hải quan mỏng,trang bị thô sơ, thiếu kinh phí, phương tiện,…trong khi Buôn lậu thuốc lá là siêu lợi nhuận, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, liều lĩnh nên công tác đấu tranh bắt giữ còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xem xét tăng biên chế và công cụ hỗ trợ cho lực lượng QLTT; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho lực lượng QLTT trực tiếp kiểm tra, kiểm soát buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Tăng cường sự kết nối trong công tác phối hợp xác minh, điều tra sâu giữa các cơ quan chức năng để tiếp tục truy quét tận gốc đường dây buôn lậu. Nếu chúng ta bắt giữ được những trùm buôn lậu thì tình hình buôn lậu chắc chắn sẽ giảm hẳn.

Chủ trương của Hiệp hội trong năm 2015 trước tình hình buôn lậu thuốc lá không ngừng gia tăng?

Hiệp hội xác định năm 2015 sẽ là năm quyết tâm cao chống buôn lậu. Theo đó, Phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống thuốc lá nhập lậu theo tinh thần Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường truyền thông chống thuốc lá lậu, đẩy mạnh công tác thị trường, cải tiến, nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở từng vùng miền, từng bước chiếm lĩnh thị trường của thuốc lá lậu.

Ông có đề xuất gì để làm giảm tệ nạn buôn lậu thuốc lá?

Để giảm tệ nạn buôn lậu thuốc lá thì Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị 30/CT-TTg. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, biên giới và quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá nhập lậu để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm;

Ra quân đồng loạt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố; xử lý kiên quyết, triệt để các cửa hàng bày bán thuốc lá lậu tại các phường, xã, thị trấn.

Các lực lượng chức năng phối hợp rà soát, kiểm tra các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Thông tư liên tịch số 36, Điều 7.2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự khi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao trở lên. Do đó, các đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ khối lượng và giao cho nhiều người khác nhau vận chuyển hoặc tàng trữ dưới mức 1.500 bao để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong thời gian qua số vụ buôn lậu thuốc lá bị xử lý hình sự chỉ chiếm 0,95% tổng số vụ bị bắt giữ. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề nghị điều chỉnh truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho dừng các hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thuốc lá ngoại. Hiện nay tại vùng biển giáp ranh giữa Việt nam và Trung quốc, thủ đoạn buôn lậu thuốc lá ngoại phổ biến là lợi dụng nguồn thuốc lá tạm nhập, tái xuất đưa vào các kho ngoại quan để làm thủ tục tái xuất đi Trung Quốc. Trong quá trình tái xuất, các chủ đầu nậu tìm cách đưa lên xuồng cao tốc để  quay trở lại tiêu thụ lậu ở Việt Nam. Thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thuế NK, thuế TTĐB cao,  NSNN thu được từ tạm nhập, tái xuất rất nhỏ so với thiệt hại do thuốc lá ngoại thẩm lậu vào Việt Nam. Để tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng, kiến nghị Bộ Công Thương cho dừng các hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với sản phẩm thuốc lá.

Tăng cường quỹ cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu. Theo quy định của Luật PCTHTL, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng Quỹ PCTHTL với mức đóng là: 1% từ 01/5/2013; 1,5% từ 01/5/2016; 2% từ ngày 01/5/2019 (tính trên giá tính thuế TTĐB của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 300-500 tỷ đồng, và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài…; trong khi đó Quỹ chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế trích khoảng 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì thuốc lá lậu có tác hại nhiều hơn lại trốn thuế.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lộ trình giảm Tar, Nicotine trong thuốc điếu. Bởi hiện nay, các sản phẩm thuốc lá nhập lậu hầu hết có hàm lượng Tar, Nicotine cao, trong đó 90% thuốc lá nhập lậu là JET, HERO có hàm lượng Tar là 19-20mg/điếu thuốc, Nicotine là 1,9mg/điếu. Trong điều kiện tình hình buôn lậu như hiện nay, nếu thực hiện lộ trình giảm Tar, Nicotine nhanh quá sẽ làm gia tăng buôn lậu thuốc lá.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, ngăn chặn thuốc lá lậu gia tăng trên thị trường, thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buốn lậu thuốc lá và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị  Bộ Công Thương, Bộ Y tế điều chỉnh lộ trình giảm Tar, Nicotine trong thuốc điếu phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cụ thể:

Chỉ tiêu

2010-2015

2015-2020

Tar (mg/điếu)

* Nicotine (mg/điếu)

≤18,0

≤1,6

≤16

≤1,4

Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến