Dòng sự kiện:
Buôn vàng mã thắng lớn, chia nhau tiền lãi top đầu Việt Nam
10/09/2021 12:24:30
Một số doanh nghiệp ghi nhận tỷ suất lợi nhuận rất cao và có giá cổ phiếu tăng mạnh, lên cao không thua kém gì cổ phiếu của các tập đoàn lớn đầu ngành.

CTCP Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái (CAP) vừa ghi nhận một đợt tăng giá dựng đứng mới từ đầu tháng 9 tới nay. Giá cổ phiếu CAP tăng vọt từ khoảng 65.000 đồng/cp lên 73.400 đồng/cp. So với hồi đầu năm 2021, giá cổ phiếu CAP đã tăng gấp đôi - con số ấn tượng so với mức tăng trung bình trên thị trường, nhất là những biến động điều chỉnh giảm gần đây.

Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái là một doanh nghiệp quy mô rất nhỏ nhưng có ngành nghề đặc biệt. Đây là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán sản xuất vàng mã và xuất khẩu sản phẩm này sang Đài Loan và Trung Quốc.

Thông tin cho thấy, trong 3 quý đầu năm (theo niên độ tài chính 1/10/2020-30/9/2021), CAP đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm với lợi nhuận 38 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng lãi hơn 4 tỷ đồng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt rất cao, 7.238 đồng.

Doanh nghiệp bé có lợi nhuận cao.

Doanh nghiệp này thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ rất cao, khoảng từ 35-45% mỗi năm. Đây là một tỷ lệ cổ tức cao, hơn nhiều các tập đoàn bất động sản lớn và ngang ngửa với các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức cao như Vinamilk (VNM),...

Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp ngành nghề lạ nhưng có kết quả ấn tượng như: CTCP Siam Brothers Việt Nam (SBV) chuyên sản suất dây thừng, lưới đánh cá; Công ty chuyên cung cấp đầu lọc thuốc lá Cát Lợi (CLC), công ty sản xuất bao cao su Merufa (MRF)...

TTCK hiện có khoảng 1.400 công ty, doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM. Không ít doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ nhưng có kết quả kinh doanh ấn tượng và trả cổ tức cao như: CTCP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng - CICO (DCI), VinaCafe Biên Hòa (VCF), Bến xe Miền Tây (WCS), Vinaxad, Giấy Việt Trì, Dầu Tường An, FPT Online, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên...

Trong vài tuần gần đây, trong khi VN-Index loay hoay trước ngưỡng 1.350 điểm, chỉ số VNSmallCap đại diện cho các cổ phiếu quy mô nhỏ đã liên tiếp lập đỉnh mới, vượt xa đỉnh năm 2018 và hiện ở mức trên ngưỡng 1.600 điểm.

Dòng tiền đổ dồn dập vào các cổ phiếu vừa và nhỏ cho thấy dòng tiền trên thị trường chưa có dấu hiệu rút ra ngoài.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 10/9

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu tiếp tục tăng giá. Tuy nhiên, thanh khoản xuống thấp. Đa số các cổ phiếu blue-chips tăng điểm.

Biến động chỉ số VN-Index.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số tăng giá. VPBank tăng 600 đồng lên 64.000 đồng/cp. Cổ phiếu Vingroup và Vinhomes tăng nhẹ trở lại.

Cổ phiếu VietJet tiếp tục tăng mạnh. VJC tăng 900 đồng lên 129.900 đồng/cp.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo BSC, thị trường giao dịch giằng co trong phiên sáng 9/9 nhưng tăng mạnh vào cuối phiên chiều. Dòng tiền đầu tư lan tỏa vào thị trường khi có 17/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước với mũi nhọn tăng trưởng đến từ các ngành bán lẻ, du lịch và giải trí, dầu khí. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước cho thấy dấu hiệu tâm lý giao dịch tích cực trở lại khi thị trường chạm ngưỡng hỗ trợ 1.330 điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tại cả 2 sàn HoSE và sàn HNX. Việc hồi phục tại ngưỡng 1.330 điểm đang ủng hộ xu hướng hồi phục trở lại ngưỡng 1.350 điểm.

Chốt phiên chiều 9/9, chỉ số VN-Index tăng 10,37 điểm lên 1.343,98 điểm. HNX-Index tăng 3,17 điểm lên 350,44 điểm. Upcom-Index tăng 0,47 điểm lên 94,83 điểm. Thanh khoản đạt 23,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 19,6 nghìn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

 

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến