Dòng sự kiện:
BVSC: Lợi nhuận của Vietcombank có thể vượt 32.000 tỷ đồng trong năm 2020
10/12/2019 11:01:03
Dựa trên các tính toán, BVSC cho rằng, Vietcombank vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong những năm tới và dự báo lợi nhuận trước thuế của nhà băng này có thể vượt 32.000 tỷ đồng vào năm 2020.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo cập nhật về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB).

Trong đó, BVSC cho rằng dư địa tăng trưởng của Vietcombank vẫn còn lớn trong những năm tới nhờ tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục được mở rộng, thu nhập từ hoạt động bán chéo bảo hiểm và nợ xấu được kiểm soát.

NIM tiếp tục được mở rộng

Theo BVSC, NIM của Vietcombank sẽ tiếp tục được mở rộng nhờ tài sản sinh lời cao chiếm tỉ trọng cao hơn và tăng tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR); trong khi lãi suất cho vay giảm được bù đắp một phần bởi tỉ trọng gia tăng của cho vay cá nhân.

Cụ thể, dư nợ tín dụng tính đến hết quí III/2019 của Vietcombank đạt 715.600 tỷ đồng (tăng 11,7% tính từ đầu năm đến nay). Trong đó, tăng trưởng tập trung ở khối khách hàng cá nhân tăng 24%; trong khi khối khách hàng doanh nghiệp gần như đi ngang, chỉ tăng 2%. 

Tính đến hết quí III, dư nợ khách hàng cá nhân của Vietcombank chiếm khoảng 42% tổng dư nợ, nếu tính cả dư nợ của khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thì tổng dư nợ 2 nhóm này đã lên tới 51%. Cho vay mua nhà vẫn là động lực tăng trưởng chính của cho vay cá nhân, chiếm khoảng 55% phân khúc và tăng trưởng trên 40%.

Về phía huy động, tỉ lệ tiền gửi không kì hạn (CASA) vẫn duy trì ở mức 30%, cao nhất hệ thống. Nếu tính cả tiền gửi có kì hạn bằng ngoại tệ (lãi suất bằng 0% đối với tiền gửi USD và 0,1 - 0,15% đối với tiền gửi EUR) thì tỉ lệ tiền gửi có lãi suất bằng 0 hoặc không đáng kể lên đến 39%. Qua đó, giúp chi phí vốn huy động của Vietcombank được giữ ở mặt bằng thấp.

Hơn nữa, tỉ lệ LDR của Vietcombank thấp hơn nhiều so với mức trần 85% qui định trong Thông tư số 22 của Ngân hàng Nhà nước, qui định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nên ngân hàng này ít có áp lực phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh và giúp NIM được cải thiện.

Nguồn thu lớn từ bancassurance

Theo BVSC, dư địa tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank còn đến từ hợp đồng kí kết phân phối bảo hiểm với FWD. 

Nhóm phân tích cho rằng, thu nhập từ Banca dự kiến sẽ đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng vào thu nhập của Vietcombank trong 2020 và tăng dần lên 2000 – 3000 tỉ đồng trong các năm tiếp theo.

BVSC ước tính Vietcombank cam kết bán ít nhất 6 tỷ USD doanh thu phí bảo hiểm cho FWD trong toàn bộ 15 năm của thỏa thuận hợp tác độc quyền.

Mặt khác, BVSC cho rằng chi phí trích lập dự phòng của Vietcombank sẽ không tăng nhiều trong các năm tới nhờ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát. Tỉ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới do ngân hàng đẩy mạnh tỉ trọng cho vay cá nhân – phân khúc có tỉ lệ nợ xấu thấp hơn so với cho vay doanh nghiệp. Tỉ lệ dự phòng trên nợ xấu dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức 180%.

BVSC kì vọng ngân hàng sẽ tăng vốn thành công như đã trình tại ĐHCĐ 2019 (tăng vốn điều lệ từ 37 nghìn tỷ hiện nay lên 55 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ tối đa 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu và sau đó phát hành riêng lẻ 6,5%).

Nếu tăng vốn thành công, BVSC ước tính hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Vietcombank sẽ tăng từ mức 9,4% trong 2019 lên trên 11% trong các năm tiếp theo, một mức rất an toàn để hỗ trợ tăng trưởng. 

Còn trường hợp tăng vốn không thành công, ước tính Vietcombank vẫn có khả năng duy trì CAR theo Basel II ở mức khoảng 10% nhờ có lợi nhuận cao trong các năm tới.

Kết hợp các yếu tố trên, BVSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank có thể đạt 22.566 tỷ đồng và có thể vượt 32.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Trái phiếu tổ chức tín dụng đang tăng lên

Nhóm nghiên cứu từ BVSC dự báo tỷ trọng trái phiếu Chính phủ trong tổng danh mục trái phiếu của VCB sẽ giảm về mức 56% trong khi tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng sẽ tăng lên 40% trong 2020, theo đó lợi suất danh mục trái phiếu tiếp tục duy trì ở mức 5,5%. 

BVSC nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong phân bổ danh mục trái phiếu của VCB. Từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 9 năm 2019, tỷ trọng trái phiếu Chính phủ giảm mạnh, trong khi tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng tăng lên tương ứng. Danh mục trái phiếu Chính phủ đã liên tục giảm về giá trị tuyệt đối từ đầu 2018 và tỷ trọng trái phiếu Chính phủ trong tổng danh mục trái phiếu của VCB cũng đã giảm từ 71% vào cuối 2018 xuống 59% vào cuối quý 3 năm 2019 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm về mức đáy trong 5 năm. 

Trong khi đó, danh mục trái phiếu tổ chức tín dụng tăng 73% và tỷ trọng cũng tăng từ 24% cuối 2018 lên 37% đến hết quý 3 năm 2019. 

BVSC cho rằng, trái phiếu tổ chức tín dụng có sự gia tăng mạnh mẽ do các ngân hàng thương mại đang cần đẩy mạnh huy động vốn cấp 2 để đáp ứng Basel 2 (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel; trong đó, đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng) trước 1/1/2020 và huy động trung dài hạn để đáp ứng giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, do huy động kì hạn dài trong dân cư là tương đối khó khăn. 

BVSC dự báo, trái phiếu tổ chức tín dụng sẽ chỉ tăng 25% trong 2020 do áp lực tăng vốn cho Basel 2 giảm bớt và việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng được thực hiện theo lộ trình theo Thông tư 22. 

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến