Dòng sự kiện:
Cá nhân cũng thích trái phiếu
14/06/2019 14:00:36
Trước đây, gần như chỉ có khách hàng tổ chức quan tâm đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhưng vài năm trở lại đây, tình thế đã thay đổi, các nhà đầu tư cá nhân cũng đã bắt đầu mua TPDN.

3 lý do chính

Ông Kiệt Nguyễn, một trưởng phòng môi giới với kinh nghiệm 12 năm trong nghề cho biết, số lượng nhà đầu tư mua trái phiếu ngày một nhiều hơn bởi 3 lý do chính: Thứ nhất, lãi suất của TPDN hiện nay dao động quanh vùng 10%/năm, cao hơn gửi tiền ngân hàng, thậm chí cao hơn cả suất sinh lãi trên thị trường chứng khoán. Dù vẫn có những cổ phiếu tăng 20-30% nhưng nếu “đánh” không khéo thì thậm chí còn thua lỗ do thị trường phân hóa quá khắc nghiệt.

Thứ hai, do giá trị tài sản của nhà đầu tư ngày một tăng cao nên nhu cầu phân bổ tài sản thông qua nhiều kênh cũng lớn hơn. Thay vì chỉ dồn tiền cho cổ phiếu, nhà đầu tư cũng có thể rút tiền mua trái phiếu, hoặc đầu tư cho bất động sản.

Thị trường TPDN dành cho nhà đầu tư cá nhân vẫn đang tiếp tục duy trì ở dạng tiềm năng

Thứ ba, trong một thời gian dài, việc chỉ có nhà đầu tư tổ chức tham gia mua trái phiếu cũng đã là “mặc định” trong suy nghĩ của nhiều người. Họ cho rằng sản phẩm này chỉ dành cho các “ông lớn”. Tuy nhiên, việc các công ty chứng khoán, môi giới tích cực mời chào, rồi khởi đầu là một số người tham gia rồi giới thiệu, truyền miệng cho nhau, dần dần các nhà đầu tư cá nhân đã tiếp cận và chấp thuận. Một phần của “điểm nghẽn” ở đây là mệnh giá của TPDN thường được phát hành khá cao, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho mỗi trái phiếu.

Cách đây 5-10 năm, mệnh giá này rõ ràng là khó chấp nhận với nhà đầu tư cá nhân nhưng nay khi quy mô tổng tài sản ngày một tăng thì việc sở hữu 1-2 trái phiếu mệnh giá từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng là bình thường. Chẳng hạn, nhóm khách VIP tại công ty chứng khoán có tài sản tầm 5 tỷ đồng hiện nay là rất nhiều, nên công ty chứng khoán hoàn toàn có thể khuyến nghị phân bổ từ 10-20% cho trái phiếu để có thu nhập ổn định.

Còn nhiều tiềm năng

Hiện nay, phí môi giới cho một giao dịch trái phiếu tầm khoảng 0,25%, tương đương với phí môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, do chưa có thị trường giao dịch TPDN niêm yết giống như cổ phiếu, nên các thương vụ giao dịch cũng tựa như mua chứng khoán trên OTC. Và hiện tại phần lớn người mua trái phiếu cũng chỉ nhắm đến mục tiêu mua và giữ, hưởng trái tức thay vì để lướt sóng.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các giao dịch có phần trầm lắng. Các môi giới khi chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư cũng chỉ với mục đích đa dạng hóa sản phẩm thay vì xem đây là kênh có thanh khoản cao, giao dịch nhiều lần để có thể thu thêm phí.

Nói cách khác thì thị trường TPDN dành cho nhà đầu tư cá nhân vẫn đang tiếp tục duy trì ở dạng tiềm năng. Trong ngắn hạn, sự phát triển của thị trường cũng chỉ ở mức độ lan tỏa vừa đủ để một số nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư VIP quen dần với cách phân bổ tài sản.

Tuy nhiên, việc xuất hiện của nhóm này cũng dẫn đến những tác động tích cực hơn, đó là việc các doanh nghiệp sẽ phải tính toán, nghiên cứu để phát hành những loại trái phiếu phù hợp với nhà đầu tư cá nhân. Chẳng hạn, thay vì phát hành mệnh giá 500 triệu đồng, có doanh nghiệp giờ hạ xuống mệnh giá chỉ còn 100 triệu đồng, nhưng ràng buộc điều kiện phải mua ít nhất 5 trái phiếu.

Nhờ những biện pháp linh hoạt này mà một số đợt phát hành trái phiếu với quy mô 50-100 tỷ đồng đã nhanh chóng thành công, người mua tấp nập, nhất là những doanh nghiệp giàu tiềm năng, dòng tiền ổn định. Chẳng hạn mới đây một công ty trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm gia đình đã phát hành 50 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 500 triệu đồng thì lập tức bán hết sạch chỉ trong thời gian ngắn.

Theo Thời báo ngân hàng


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến