Dòng sự kiện:
Ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng đòi bà Phương Hằng bồi thường 88 tỷ đồng dựa trên căn cứ nào?
07/04/2023 11:30:15
Trước thông tin ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên đòi bà Phương Hằng bồi thường 88 tỷ đồng, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định, yêu cầu đòi bồi thường hàng chục tỷ đồng dựa trên căn cứ nào, liệu có được chấp thuận

Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) cùng 4 đồng phạm về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Bên cạnh việc đề nghị truy tố, kết luận điều tra còn ghi nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của 10 bị hại đối với bà Hằng. Trong đó, vợ chồng ca sĩ Thuỷ Tiên - Công Vinh yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất là 30,4 tỷ đồng; về tinh thần là 14,9 tỷ đồng. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất 43 tỷ đồng.

Công an TP. HCM thực hiện lệnh bắt đối với Nguyễn Phương Hằng

 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi có lỗi, gây thiệt hại thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại có thể là bồi thường phát sinh từ hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong những vụ án hình sự, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu bị can, bị cáo phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

Bên cạnh đó, bị hại có quyền đưa ra yêu cầu về bồi thường thiệt hại nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trong vụ án trên, yêu cầu bồi thường thiệt hại là thiệt hại ngoài hợp đồng do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Người gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với vụ việc liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm, cơ quan tiến hành tố tụng đang tiến hành các thủ tục để xử lý bị can về Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS 2015. 

Theo kết luận điều tra, các bị can đã có hành vi vượt quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa ra căn cứ chứng minh hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân này được thực hiện thế nào và hậu quả của nó.

Trên cơ sở đó. các cá nhân, tổ chức bị xâm phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Với bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm hại, nếu các bên không thỏa thuận được, tòa án sẽ quyết định mức bồi thường thiệt hại không quá 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với mỗi người bị hại, tương đương không quá 14,9 triệu đồng theo Điều 592 BLDS 2015.

Việc một số cá nhân yêu cầu bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm bồi thường hàng chục tỷ đồng về danh dự nhân phẩm uy tín bị xâm phạm là thiếu cơ sở để xem xét. Tòa án có thể chấp nhận mức bồi thường cho mỗi người không quá 14,9 triệu đồng theo mức lương cơ sở hiện nay.

Còn với yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất, thiệt hại do tài sản bị hư hỏng rất dễ chứng minh dựa trên kết quả định giá, song với tài sản bị mất như cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư, việc chứng minh không đơn giản - luật sư Hồng Vân nhận định.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến