Dòng sự kiện:
Các chủ tịch ngân hàng có mức thu nhập bao nhiêu mỗi năm?
13/04/2019 08:00:02
Trong khi nhóm 4 ngân hàng lớn nhất phải tuân thủ cơ chế lương quy định của Nhà nước, tại hầu hết ngân hàng tư nhân dàn lãnh đạo cấp cao đều có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2018 công bố mới đây của các ngân hàng đã tiết lộ mức lương, thù lao và thu nhập mà các lãnh đạo cấp cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay đang được chi trả.

Trong khi nhóm 4 ngân hàng lớn nhất gồm Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank phải tuân thủ theo cơ chế lương quy định của Nhà nước, tại hầu hết ngân hàng tư nhân, thu nhập của dàn lãnh đạo cấp caođã lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cụ thể, báo cáo của Sacombank cho biết năm 2018, ngân hàng đã chi ra tổng cộng 39,8 tỷ đồng để trả thù lao cho các Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của ngân hàng. Quỹ thù lao này đã tăng tới 53% so với năm trước đó trong khi số lượng thành viên lãnh đạo chỉ tăng thêm 2 người.

Với 14 thành viên trong HĐQT và BKS năm vừa qua, bình quân mỗi vị trí nhân sự cấp cao tại Sacombank được trả thù lao lên tới 3,3 tỷ đồngnăm vừa qua. Mức thù lao này tương đương với thu nhập 286 triệu đồng mỗi tháng.

So với những ngân hàng thương mại khác, thù lao mà Sacombank chi cho dàn lãnh đạo của mình cũng thuộc nhóm cao nhất.

Thu nhập của giới lãnh đạo ngân hàng thương mại tư nhân Việt hiện nay đều lên tới vài tỷ đồng mỗi năm. (Ảnh minh họa: NBA).

Nhà băng này cũng cho biết đã chi tổng cộng gần 76 tỷ đồng ể trả thu nhập cho 18 thành viên trong Ban tổng giám đốc (tính cả 3 Phó tổng giám đốc từ nhiệm vào tháng 6 và 9/2018). Như vậy, bình quân mỗi lãnh đạo trong ban tổng giám đốc nhà băng này cũng đã nhận được mức thu nhập lên tới 4,2 tỷ đồng, tương đương 352 triệu đồng/tháng.

Một ngân hàng khác cũng có quỹ thù lao cho HĐQT và BKS cao nhất là MBBank.

Theo đó, nhà băng này cho biết việc sử dụng quỹ thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS nằm trong hạn mức đã được ĐHĐCĐ phê duyệt năm 2018. Các thành viên lãnh đạo này được hưởng thù lao, lương, thưởng và các lợi ích khác theo kết quả thực hiện công việc và theo kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Nhà băng sẽ trích 1% tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất để làm quỹ thù lao, lương, thưởng và các lợi ích khác của HĐQT và BKS. Với mức lãi ròng lên tới 6.190 tỷ đồng năm vừa qua, quỹ thù lao tại nhà băng này lên tới gần 62 tỷ đồng.

Với 14 thành viên trong HĐQT và BKS năm vừa qua, mỗi thành viên lãnh đạo tại MBBank có thể nhận về mức thù lao, lương, thưởng… tối đa lên tới 4,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là quỹ thù lao theo kế hoạch. Thực tế, rất ít ngân hàng sử dụng toàn bộ quỹ thù lao này trong một năm để trả cho các lãnh đạo của mình.


Techcombank là ngân hàng tư nhân duy nhất năm qua ghi nhận lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Và để đáp lại thành công về kết quả kinh doanh năm qua, ngân hàng này đã chi tổng cộng 29,5 tỷ đồng tiền thù lao cho 11 thành viên HĐQT và BKS của mình.

Bình quân, mỗi nhân sự trong nhóm lãnh đạo này của Techcombank nhận về tới gần 2,7 tỷ đồng thù lao (225 triệu đồng/tháng).

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tới đây, nhà băng này dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng mức thù lao cố định cho các thành viên trong HĐQT và BKS năm 2019 lên con số 32,04 tỷ đồng, tăng gần 9% so với số tiền đã chi ra năm 2018.

Với kế hoạch giữ nguyên số lượng nhân sự trong ban quản trị, dự kiến thù lao của các thành viên chủ chốt tại Techcombank sẽ nhận được trong năm 2019 này là 2,9 tỷ đồng.

Mức thù lao tiền tỷ của giới lãnh đạo cũng được hầu hết ngân hàng thương mại cỡ lớn hiện nay áp dụng.

Như tại HDBank, nhà băng này đã chi tổng cộng 54 tỷ đồng thù lao cho toàn bộ nhân sự cấp cao gồm HĐQT, BKS và Ban tổng giám đốc với số lượng 21 người năm vừa qua. Bình quân, thu nhập của giới lãnh đạo tại đây vào khoảng 2,57 tỷ đồng một năm.

Eximbank năm qua cũng chi 21,4 tỷ tiền thù lao cho 10 thành viên trong HĐQT, trong khi 5 thành viên trong BKS cũng được trả 14,5 tỷ đồng. Riêng nhóm thành viên trong Ban tổng giám đốc với 9 cá nhân, năm qua nhà băng đã chi 33,7 tỷ đồng gồm tiền lương và phụ cấp.

Ngoài ra, 22 thành viên lãnh đạo của Ngân hàng VIB năm vừa qua cũng nhận được tổng cộng 42,3 tỷ đồng thu nhập; hay 14 thành viên HĐQT và BKS Ngân hàng ACB năm qua cũng đã nhận về 24,8 tỷ đồng thù lao…

Theo Zing

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến