Dòng sự kiện:
Các địa phương lo giảm thu ngân sách vì huy động điện khí giảm
26/09/2021 06:22:40
Tỉnh Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu ước tính số thu ngân sách địa phương giảm khi các nhà máy điện khí trên địa bàn giảm huy động vào hệ thống điện quốc gia.

UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị về việc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường huy động sản lượng điện Nhà máy điện Cà Mau 1&2.

Theo tỉnh này, 8 tháng đầu năm, khả năng cấp khí của nhà máy trên là 1,01 tỷ m3, tương đương với sản lượng điện sản xuất 4,95 tỷ kWh. Nhưng thực tế chỉ được huy động 70%, tương đương 0,71 tỷ m3 khí tiêu thụ (3,49 tỷ kWh điện). Việc huy động thấp khiến nhà máy này dự kiến nộp ngân sách địa phương khoảng 152 tỷ đồng trong năm nay, tương đương 32% so với trung bình hằng năm.

Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau ước tính, việc huy động thấp đã ảnh hưởng tới chỉ tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm của tỉnh xuống 5,54% so với năm trước, GRDP của tỉnh chỉ đạt 45,82% kế hoạch.

Không riêng Cà Mau, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dự kiến giảm thu ngân sách 435 tỷ đồng so với năm 2020 do việc huy động khí cho điện thấp.

Nhà máy điện Cà Mau 1&2. Ảnh: PVN

Hiện giá điện bình quân của cụm các nhà máy điện Nhơn Trạch là 1.441 đồng một kWh, các nhà máy điện Cà Mau là 1.319 đồng một kWh, các nhà máy điện Phú Mỹ là 1.175 đồng một kWh.

Huy động khí cho phát điện thấp phản ánh nhu cầu phụ tải thấp khi nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ngành điện đối diện với bài toán thừa điện do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều nhà máy giảm công suất, ngừng hoạt động bởi tác động của dịch Covid-19.

Số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, tiêu thụ điện toàn quốc và miền Nam tiếp tục giảm thấp trong hai tuần đầu tháng 9. Tình trạng nhu cầu dùng điện giảm đã diễn ra từ giữa tháng 7, khi 23 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội và kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16.

A0 ước tính trung bình hai tuần đầu tháng 9, mức công suất đỉnh toàn quốc là hơn 29.700 MW, sản lượng điện toàn hệ thống là 624,3 triệu kWh một ngày. Số liệu này thấp hơn 24% so với trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7 và thấp hơn 15% so với cùng kỳ 2020.

Riêng khu vực miền Nam, công suất và sản lượng điện sụt mạnh, lần lượt gần 12.200 MW và 243 triệu kWh một ngày. So với trước thời điểm các địa phương áp dụng giãn cách xã hội, nhu cầu dùng điện tại phía Nam giảm gần 30%. Còn so với cùng kỳ 2020 giảm 23%.

A0 cho biết, việc huy động các nguồn điện bám sát nhu cầu tiêu thụ điện cả nước và từng khu vực, cũng như đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

"Các mệnh lệnh điều độ huy động nguồn điện trong hệ thống luôn thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, thực hiện đồng đều và không phân biệt giữa các loại hình nguồn điện", đại diện A0 nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện các nhà máy điện là khách hàng tiêu thụ chính, chiếm tới 80% tổng sản lượng khí. Việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ làm giảm công suất các nhà máy và kéo theo việc giảm khai thác ở các mỏ dầu khí ngoài khơi.

Điều này sẽ gây thiệt hại do giảm nguồn thu của nhà nước từ hoạt động khai thác dầu khí (nguồn thu chủ lực của ngân sách hiện nay) bao gồm: thuế tài nguyên, phần chia lãi nước chủ nhà, phần chia lãi nhà thầu trong nước, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thuế xuất khẩu sản phẩm dầu khí, thuế giá trị gia tăng...

Nguồn thu của nhà nước cũng sẽ bị sụt giảm tương tự đối với hoạt động vận chuyển khí từ ngoài biển về bờ. Ngoài ra, việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ làm phát sinh nghĩa vụ trả trước của bên mua khí với các chủ mỏ và số tiền không nhỏ, làm ảnh hưởng đến cân đối dòng tiền của bên mua khí.

Chẳng hạn với tình hình huy động giảm hiện nay, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 có sản lượng điện sản xuất dự kiến chỉ đạt 75% so với kế hoạch năm. Lượng khí tiêu thụ thấp là 247,7 triệu m3, nên theo nghĩa vụ bao tiêu khí của Hợp đồng mua bán khí giữa phía Việt Nam và Petronas - Malaysia, nhà máy phải trả trước cho chủ mỏ và Petronas số tiền khoảng 59,4 triệu USD.

Để tránh lãng phí trong đầu tư của PVN và ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng huy động sản lượng điện để nhà máy điện Cà Mau 1&2 vận hành sản xuất điện tối đa theo mức độ khả dụng của 2 nhà máy đến cuối năm.

Năm 2022, dự báo việc huy động khí cho điện tiếp tục sụt giảm hơn nhiều so với năm nay. Theo đó, dự kiến khả năng huy động khí cho phát điện khu vực Đông Nam Bộ không cao hơn 2,8 tỷ m3 và khu vực Tây Nam Bộ có thể xuống thấp đến 755 triệu m3. Với mức dự báo huy động khí cho năm 2022 như trên, thu ngân sách của các địa phương sẽ sụt giảm lớn, như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến giảm 1.121 tỷ đồng.

Tác giả: Anh Minh

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến