Dòng sự kiện:
Các điểm chính của báo cáo 'săn phù thủy' chấn động nước Mỹ
19/04/2019 20:48:18
Bản báo cáo dày hơn 400 trang của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 cuối cùng đã được công khai hôm 18/4.

Cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ban vận động tranh cử năm 2016 của ông Trump cấu kết phạm tội với Nga. Ông Mueller cũng không thể đưa ra kết luận về việc liệu ông Trump có phạm tội cản trở công lí hay không, theo AP.

Việc công bố báo cáo 448 trang của ông Robert Mueller đã khép lại cuộc điều tra kéo dài 22 tháng mà Tổng thống Donald Trump liên tục đả kích là “săn phù thủy” với hàm ý ông bị truy bức chính trị.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý trong báo cáo:

Không cấu kết, thông đồng

Dù không tìm được bằng chứng nào cho thấy bộ máy tranh cử của ông Trump âm mưu hay cấu kết với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông Mueller cho rằng phía ông Trump lẫn Nga đều tin phía bên kia 'sẽ được lợi từ việc công bố những thư điện tử bị tin tặc lấy'.

Ông Trump chỉ thị cho các trợ lý tìm kiếm thư của bà Hillary Clinton

Trong báo cáo, công tố viên đặc biệt Mueller cho biết, sau khi ông Trump công khai tuyên bố ông hy vọng Nga sẽ tìm thấy các thư điện tử đã bị xoá trong máy chủ cá nhân của bà Hillary Clinton thì ông đã chỉ thị cho các trợ lý tìm chúng.

“Michael Flynn, sau này là cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhớ lại, ông Trump liên tục đề nghị tìm thư và ông Flynn đã phải liên lạc với rất nhiều người để có được các thư điện tử đó”.

Báo cáo được công bố sau cuộc họp báo của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

Không kết luận ông Trump gây cản trở công lý

Công tố viên đặc biệt Mueller không đưa ra kết luận dứt khoát về việc liệu Tổng thống Donald Trump có gây cản trở công lý trong quá trình ông tiến hành điều tra hay không.

Báo cáo viết: “không kết luận Tổng thống đã phạm tội, nhưng cũng không giải tội cho ông Trump”.

Tổng thống tìm cách sa thải ông Mueller

Báo cáo của ông Mueller viết: “Các nỗ lực nhằm tác động tới cuộc điều tra của Tổng thống đa phần không thành công, song đó là do những người quanh ông Trump từ chối thực hiện mệnh lệnh hoặc không tán thành với các đề nghị của ông”.

Cố vấn Nhà Trắng Don McGahn nhận được một cuộc gọi của ông Trump vào ngày 17/6/2017 với chỉ thị, liên lạc cho Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rosenstein và yêu cầu ông này sa thải công tố viên Mueller vì xung đột lợi ích. Tuy nhiên, ông McGahn từ chối vì “thà từ chức còn hơn châm ngòi cho cái mà ông gọi là Cuộc tàn sát tối thứ bảy”. Thời điểm đó, cả Bộ trưởng lẫn Thứ trưởng Tư pháp thà từ chức còn hơn thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống.

Theo VietNamNet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến