Dòng sự kiện:
Các gói hỗ trợ có thể làm tăng bội chi, nhưng giúp kích thích tăng trưởng
11/11/2021 18:05:23
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc triển khai các gói hỗ trợ có thể làm tăng bội chi 1%, nhưng sẽ giúp giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm...

ộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng là tư lệnh ngành cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp lần thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều nay (11/11), tập trung vào giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi...

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn chiều 11/11.

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị đánh giá và cho biết kinh nghiệm các gói hỗ trợ quốc tế? Quan điểm phạm vi, mục tiêu chương trình phát triển và phục hồi kinh tế?

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đặt vấn đề: Trong các chỉ tiêu kinh tế năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội nêu mục tiêu tăng trưởng GDP 6%, CPI khoảng 4% và bội chi khoảng 4%. Căn cứ nào để dự báo những chỉ tiêu này? Tỉ lệ bội chi đã bao gồm các gói hỗ trợ của Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sắp tới chưa?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Với đề nghị đánh giá về kinh nghiệm quốc tế về các gói hỗ trợ, quan điểm về việc đặt ra các mục tiêu kinh tế - xã hội của đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng thế giới có chính sách, quyết sách rất nhanh ứng phó với một đại dịch chưa có tiền lệ, nên đưa ra gói chính sách quy mô lớn, chấp thuận việc tăng trần nợ công, triển khai và làm ngay. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, và nước láng giềng như Thái Lan đã chấp nhận tăng trần nợ công để kích thích tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Nhờ đó, với độ bao phủ vắc-xin, các nước đã có tăng trưởng nhanh.

Nhiều nước có cách hỗ trợ như cấp phát tiền mặt, hỗ trợ bảo hiểm, miễn giảm thuế trong một số ngành, hỗ trợ dòng tiền cho một số ngành, đầu tư cho hạ tầng… Chính sách tiền tệ duy trì lãi suất ở mức thấp, tăng tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khi nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước, Bộ KHĐT nhận định cần có gói hỗ trợ lớn, thời gian phù hợp, đảm bảo cân đối vĩ mô, có hỗ trợ cả phía cung và cầu, gắn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phù hợp với kế hoạch tài chính công, tái cơ cấu nền kinh tế, tính cả dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đảm bảo khả thi, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm.

Chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho các đối tượng là người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Dự tính thời gian thực hiện hỗ trợ trong 2 năm 2022 - 2023 và nếu thông qua ngay vào kỳ họp cuối năm sẽ thực hiện ngay vào đầu năm 2022.

Trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) nêu ra về các chỉ tiêu tăng trưởng, bội chi, nguy cơ gia tăng "nhập khẩu lạm phát"..., Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cơ sở xác định chỉ tiêu là căn cứ tình hình thực tiễn, tính đến khả năng kiểm soát dịch bệnh vào quý IV/2021 và khả năng phục hồi của nền kinh tế, mở cửa trở lại, các lĩnh vực có đóng góp tăng trưởng và lạm phát được kiểm soát.

Với lo ngại các gói hỗ trợ, đầu tư công có tăng bội chi, người đứng đầu ngành kê hoạch và đầu tư cho rằng, có thể làm tăng bội chi 1%, nhưng khi triển khai các gói này sẽ giúp giải quyết việc tăng trưởng, kinh tế, việc làm, nên không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô./.

Tác giả: Trần Ngọc - Nguyễn Quỳnh

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến