Dòng sự kiện:
Các ngân hàng Anh đủ sức đương đầu với nhiều cú sốc
15/07/2019 19:32:08
Ngân hàng Anh nắm giữ đủ vốn để đối phó cùng một lúc với cú sốc Brexit không thỏa thuận và cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England – BoE) cho biết hôm 11/7 như là một phần của đánh giá rủi ro tài chính nửa năm. Cụ thể, các ngân hàng có trụ sở tại Anh đã nắm giữ 1 nghìn tỷ bảng tài sản lưu động để đối phó với Brexit hoặc các cú sốc khác.

“Khả năng của Brexit không thỏa thuận đã tăng lên kể từ đầu năm nay”, Ủy ban chính sách tài chính của BoE cho biết. Tuy nhiên “hệ thống ngân hàng của Vương quốc Anh vẫn đủ mạnh để tiếp tục cho vay bất chấp một loạt các cú sốc kinh tế và tài chính có thể có của Vương quốc Anh liên quan đến Brexit”.

Ảnh minh họa

Kể từ Báo cáo ổn định tài chính gần đây nhất của BoE được công bố năm 2018, thời hạn Brexit đã bị trì hoãn từ ngày 29/3 đến ngày 31/10. Thủ tướng Anh Theresa May đã nhiều lần thất bại trong việc giành được sự ủng hộ Quốc hội đối với kế hoạch Brexit của bà nhằm đảm bảo Anh rời khỏi Liên minh châu Âu một cách suôn sẻ. Trong khi hai ứng cử viên hàng đầu có khả năng sẽ thay thế bà để lãnh đạo chính phủ Anh tuyên bố, Anh có thể cần phải ra đi mà không có thỏa thuận.

Thế nhưng giới thương nhân nói rằng, nếu điều đó xảy ra sẽ gây ra sự gián đoạn kinh tế trên diện rộng. Trên thực tế BOE cũng đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong hoạt động mua bất động sản tại Anh của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tín dụng doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2019.

Hiện Anh đang trong tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai lớn với phần còn lại của thế giới và Thống đốc BoE Mark Carney trước đó đã cảnh báo rằng nước này đang “dựa vào lòng tốt của những người lạ”, điều mà có thể nhanh chóng tan biến khi thị trường căng thẳng.

“Ổn định tài chính không giống như ổn định thị trường. Sự biến động và thay đổi giá tài sản đáng kể được dự kiến sẽ diễn ra trong kịch bản Brexit rối loạn”, BoE cho biết hôm 11/7.

Bên cạnh rủi ro Brexit không thỏa thuận, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng làm tăng rủi ro tài chính toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh số lượng các công ty mắc nợ lớn ở Mỹ, lục địa châu Âu và các nơi khác đang tăng nhanh, BoE cho biết.

Ủy ban chính sách tài chính của BOE cũng cho biết họ sẽ hợp tác với một cơ quan quản lý khác của Anh - Cơ quan quản lý tài chính - để đánh giá việc liệu có nên yêu cầu các quỹ đầu tư để thiết lập thời gian rút vốn dài hơn cho các nhà đầu tư nếu họ nắm giữ các tài sản khó bán như bất động sản thương mại.

Điều này diễn ra sau vụ đóng cửa vào tháng 6 của một quỹ đầu tư từ Neil Woodford, một trong những công ty quản lý tiền nổi tiếng nhất của Anh, sau khi họ không thể đáp ứng nhu cầu rút tiền từ các khách hàng của họ.

BOE cho biết mối quan tâm của họ hướng tới các quỹ tập trung vào các tài sản kém thanh khoản như bất động sản thương mại và một số trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu thị trường mới nổi, thay vì cổ phiếu công ty dễ thanh khoản.

BOE cũng cho biết họ sẽ xem xét rủi ro do việc sử dụng cái gọi là “tokens” (mã hóa) và các tài sản khác được sử dụng để thanh toán bên ngoài hệ thống tài chính chính thống. Tháng trước, Facebook đã thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới khi công bố kế hoạch thiết lập hệ thống thanh toán của riêng mình được hỗ trợ bởi một đồng tiền ảo có tên gọi là Libra. Thống đốc BOE Mark Carney cho biết, Facebook không nên hy vọng đồng tiền ảo Libra của mình cũng sẽ được hưởng sự tự do không được kiểm soát vốn đã giúp công ty này đạt được vị trí thống trị trên phương diện truyền thông xã hội.

Khả năng chịu đựng các cú sốc thanh khoản của các ngân hàng cũng sẽ được “đặt dưới kính hiển vi” vào cuối năm nay, BOE cho biết mặc dù họ nói thêm rằng, họ không có ý định thắt chặt các quy tắc thanh khoản. Mục đích của bài kiểm tra là xem xét các phương án để có thể giảm thiểu tác động bất lợi lan tỏa đến các bộ phận khác của nền kinh tế.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến