Sáu tháng đầu năm là chặng đường sóng gió cho thanh khoản liên ngân hàng. Tựu trung lại, thanh khoản hệ thống đang bị phụ thuộc khá nhiều vào tiền gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) và nguồn vốn từ các ngân hàng gốc quốc doanh.
Giai đoạn sóng gió lãi suất vừa qua đang đặt ra nhiều thách thức cho chính sách tiền tệ.
Phụ thuộc lớn vào lượng tiền gửi của KBNN và nguồn vốn từ ngân hàng gốc quốc doanh
Các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank là những ngân hàng có nguồn vốn tương đối lớn, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết thanh khoản hệ thống. Đồng thời, nhóm ngân hàng này cũng là nơi “chọn mặt gửi vàng” cho lượng tiền gửi lớn của KBNN. Theo ước tính, tổng tiền gửi của KBNN tại nhóm ngân hàng này cuối năm 2018 ước tính đạt trên dưới 200.000 tỉ đồng, gấp khoảng 2 lần so với tổng lượng tiền Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm vào hệ thống qua thị trường ngoại hối trong nửa đầu năm nay.
Cũng vì lý do này mà mỗi khi KBNN rút bớt tiền gửi tại bốn ngân hàng trên thì nguồn cung vốn của họ sụt giảm, thị trường trở nên khan nguồn. Tâm lý lo lắng khiến các ngân hàng có xu hướng giữ nguồn tiền sử dụng cho thanh khoản và dự trữ bắt buộc nhiều hơn, thay vì cho vay trên thị trường vì sợ nhu cầu rút tiền từ khách hàng đột ngột sẽ đẩy ngân hàng vào thế khó trong khi nguồn cung nội tệ trên liên ngân hàng lại khan hiếm. Từ đó mà lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.
Minh chứng thực tiễn cho điều này, lãi suất đã tăng mạnh trong khoảng từ tháng 3 đến gần giữa tháng 4, giai đoạn đầu tháng 5 và cuối tháng 6, đều gắn liền với các đợt rút tiền lớn từ KBNN. Lãi suất nội tệ trong giai đoạn này thường lên tới 4-4,5% kỳ hạn qua đêm đến một tuần, thậm chí lãi suất qua đêm đã cao hơn 5% trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 6. Vào thời điểm đó, NHNN đã phải bơm thanh khoản bằng nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá (GCTG) qua hai phiên gọi thầu liên tiếp trên thị trường mở (OMO), với tổng lượng vốn cung cho thị trường lên tới 12.000 tỉ đồng. Đây cũng là lần hiếm hoi nhà điều hành phải gọi thầu hai phiên trong cùng một ngày, cho thấy thanh khoản thị trường nóng như thế nào.
Nhược điểm của công cụ Chính sách tiền tệ
NHNN vẫn kết hợp khá nhịp nhàng các công cụ chính sách tiền tệ suốt từ đầu năm đến nay, đặc biệt là kênh OMO. Hằng ngày, nhà điều hành vẫn gọi thầu cả tín phiếu và mua kỳ hạn GTCG, nhằm “trục vớt” nội tệ dư thừa và cũng sẵn sàng thanh khoản cho thị trường khi cần.
Nhưng giai đoạn sóng gió lãi suất vừa qua đang đặt ra nhiều thách thức cho chính sách tiền tệ. Ta sẽ xem xét OMO với hai nghiệp vụ. Phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn GTCG (repo) vì đây là kênh chủ lực của NHNN để điều tiết thị trường.
Với việc phát hành tín phiếu, các phiên gọi thầu hàng ngày thường duy trì số dư chủ yếu trong khoảng 5.000-10.000 tỉ đồng/phiên với kỳ hạn một tuần. Khi thanh khoản trở nên khó khăn, khối lượng trúng thầu sẽ thấp hơn, đồng nghĩa với việc NHNN sẽ bơm ròng một lượng nội tệ thông qua việc tín phiếu đáo hạn.
Tuy nhiên, đối tượng chủ yếu tham gia kênh này đa số là nhóm ngân hàng gốc quốc doanh do lãi suất tín phiếu ở mức 3% - khá thấp so với chi phí vốn đầu vào của nhiều ngân hàng cổ phần. Vì vậy, khi tín phiếu đáo hạn, đa phần nhóm này sẽ nhận được lượng tiền đáo hạn này và khi thanh khoản khó khăn thì các ngân hàng còn lại buộc phải vay lại của nhóm quốc doanh hoặc vay NHNN qua kênh repo với lãi suất cao 4,75%, kỳ hạn một tuần. Nắm bắt tâm lý khan nguồn trên thị trường, nhóm gốc quốc doanh có thể đẩy lãi suất cho vay liên ngân hàng cao hơn, thậm chí cao bằng mức 4,75% kể trên vì nếu không vay được thì các ngân hàng buộc phải vay NHNN qua kênh repo này.
Hay nói khác đi, đang có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng cổ phần và gốc quốc doanh trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ. Việc NHNN bơm thanh khoản cho hệ thống qua kênh tín phiếu, chỉ dừng lại ở việc cấp vốn cho một số ngân hàng mà thôi. Đây là điểm yếu hiếm hoi của công cụ OMO - vốn được coi là linh hoạt nhất trong chính sách tiền tệ. Nó dẫn đến một thực trạng đã diễn ra vào phiên 28-6: NHNN phải gọi thầu hai phiên, cấp 12.000 tỉ đồng cho hệ thống qua repo khi thanh khoản quá nóng, trong khi NHNN vẫn phát hành tín phiếu, hút 10.000 tỉ đồng khỏi hệ thống với tỷ lệ trúng thầu đạt 100%.
Không thể đổ lỗi cho KBNN
Muốn để giải quyết bài toán làm sao để NHNN kiểm soát tốt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, thì không thể đổ lỗi cho việc KBNN huy động thừa vốn rồi “ngâm” trong ngân hàng, để tới một ngày bất chợt rút tiền khỏi hệ thống khiến thanh khoản trở nên khó khăn.
Nguồn tiền “nhàn rỗi” của KBNN đến từ việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ và thặng dư ngân sách, trong khi đầu ra là giải ngân vốn đầu tư công đang khá chậm chạp.
Việc sử dụng vốn của KBNN cần tính toán kỹ lưỡng. Trong đó, cần cân nhắc yếu tố đầu vào là nguồn huy động từ phát hành trái phiếu chính phủ không nên ngừng cho tới khi KBNN quyết định giải ngân đầu tư công được. Bởi lẽ, việc chào thầu trái phiếu chính phủ hàng tuần có vai trò quan trọng trong phát triển thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp.
Các ngân hàng, công ty bảo hiểm luôn nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ trên bảng cân đối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Hàng tuần luôn có lượng lớn trái phiếu chính phủ đáo hạn nên nhu cầu mua trái phiếu bù đắp lượng đáo hạn là rất cao và thường trực. Chưa kể nhu cầu mua trái phiếu chính phủ để mở rộng danh mục đầu tư, quy mô tổng tài sản là nhu cầu tất yếu từ tất cả các định chế tài chính. Việc KBNN gọi thầu trái phiếu chính phủ hàng tuần là yếu tố quan trọng để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu kể trên. Hơn nữa, lợi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ là chỉ báo dẫn dắt lợi suất giao dịch trên thị trường thứ cấp, là cơ sở để đẩy mạnh thanh khoản, tăng tính sôi động và quy mô cho thị trường này.
Ngân sách sáu tháng đầu năm ước tính thặng dư 47.000 tỉ đồng đánh tín hiệu các khoản tiền gửi của KBNN tại ngân hàng tiếp tục dồi dào.
Để tránh tình trạng lãi suất tăng “nóng”, giải pháp phù hợp nhất là sự phối hợp giữa tài khóa và tiền tệ cần ăn khớp và linh hoạt hơn. KBNN cần thông báo việc rút tiền gửi hoặc chia nhỏ các đợt rút tiền thành nhiều khoản nhỏ tại nhiều đợt khác nhau để thị trường dễ hấp thụ và phản ứng mềm mại hơn.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy