Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ cũng chịu chung xu hướng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm 2024. Ảnh: BVB.
Thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết trên thị trường sàn chứng khoán đến nay cho thấy kết thúc nửa đầu năm, có tới 10 nhà băng ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế dưới 600 tỷ đồng. Nhóm này chủ yếu bao gồm những ngân hàng quy mô nhỏ với vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng.
Như trường hợp của BVBank (vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ và tổng tài sản khoảng 90.000 tỷ đồng), nửa đầu năm nay đã thu về gần 1.200 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, động lực tăng trưởng chính của BVBank vẫn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi - cho vay - với thu nhập lãi thuần tăng 57%, mang về hơn 1.000 tỷ đồng. Tương tự, mảng kinh doanh ngoại hối cũng khởi sắc với mức tăng 65% nhờ doanh số mua bán ngoại tệ tăng mạnh.
Cùng với các mảng dịch vụ, chứng khoán và hoạt động khác, BVBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 6 tháng tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 9%.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp gần 3 lần đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của BVBank nửa đầu năm nay.
Tính chung 6 tháng, BVBank vẫn báo lãi trước thuế 153 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng kể trên, BVBank trở thành ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất ngành nửa đầu năm nay.
Tương tự, KienlongBank cũng là một trong những trường hợp "bé hạt tiêu" nhưng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt nửa đầu năm qua. Trong đó, các chỉ tiêu kinh doanh chính như thu nhập lãi thuần, thu từ dịch vụ đều tăng trưởng 2 chữ số.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh ngoại hối cùng mua bán chứng khoán đầu tư lại suy giảm so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, KienlongBank cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 4 lần, ảnh hưởng đáng kể tới kết quả lợi nhuận. Sau cùng, ngân hàng này báo lãi trước thuế đạt 552 tỷ đồng, tăng 37%.
Trong nhóm ngân hàng có cùng quy mô như ABBank, VietABank, VietBank, PGBank, SaigonBank, Baoviet Bank, BacABank và NCB, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay có sự phân hóa mạnh. Tuy nhiên, phần lớn đều chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ.
Trong đó, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số là BacABank đạt 542 tỷ đồng (+14%); VietBank đạt 411 tỷ đồng (+11%). Trong khi VietABank và Baoviet Bank có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hơn lần lượt đạt 579 tỷ đồng (+9%) và 26 tỷ đồng (+3%).
Ngược lại, nhiều ngân hàng trong nhóm này lại ghi nhận tăng trưởng âm trong kỳ vừa qua như ABBank đạt 582 tỷ đồng (-14%); PGBank đạt 268 tỷ đồng (-7%); SaigonBank đạt 166 tỷ đồng (-9%); NCB đạt 7 tỷ đồng (-48%).
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước), tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong kỳ gần đây nhất đã có cải thiện, nhưng chưa thực sự rõ nét và chưa đạt được như kỳ vọng của tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra trước.
Tuy vậy, trên 70% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III và cả năm 2024.
Tác giả: Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy