Tín dụng cải thiện dần trong quý II
Mặc dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, song mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp và cầu vốn dần trở lại trong nửa cuối quý II/2024 đã kéo tín dụng tăng trưởng.
Cập nhật trong báo cáo dự báo về các ngành mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đến ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 4,17%, tương đương hơn 565.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với con số 0,26% cuối quý I/2024, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 14/6/2024, tín dụng toàn ngành tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023.
Nhìn chung, trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng có những bước đi chậm chạp sau khi đạt mức tăng trưởng 13,78% vào cuối năm 2023. Hai tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, cuối tháng 1 giảm 0,6%, cuối tháng 2 giảm 0,72%. Đến cuối tháng 3/2024, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34% và tăng dần trong các tháng sau đó.
NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II ở mức 5- 6%.
Vietcombank cho biết, tính đến hết ngày 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này mới đạt 2,1%, song dự kiến đến hết ngày 30/6, mức tăng trưởng đạt 4,3%, đến hết ngày 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%.
BIDV cũng thông tin rằng, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng cập nhật hết ngày 17/6 là 4,7%. Trong khi đó, Agribank cho hay, tính hết ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng đạt 1,24%, dự kiến đến hết ngày 30/6 tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.
Tại khối ngân hàng tư nhân, ACB thông tin, tín dụng đến gần cuối tháng 5/2024 tăng khoảng 9,5%. Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, trong quý II/2024, tín dụng của ngân hàng này tăng gấp đôi so với quý đầu năm và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới. Tại SHB, Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,54%, trong khi dự kiến đến ngày 30/6, tín dụng tăng 5%.
Lợi nhuận quý II/2024 có tăng?
Tín dụng cải thiện được cho là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm nay, bởi nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của các nhà băng Việt Nam hiện nay là tín dụng.
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, 2024 sẽ tiếp tục là năm tương đối thách thức với ngành ngân hàng, song một số tổ chức tín dụng sẽ có cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, VDSC kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình của các ngân hàng trong danh sách theo dõi đạt 18%, thu nhập lãi tăng 19%.
Lợi nhuận ngân hàng được dự báo khả quan nhờ tín dụng tăng trưởng tốt hơn so với quý trước đó (2 tháng đầu năm tín dụng âm), khi lãi suất cho vay hợp lý hơn và kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kéo theo nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Kết quả khảo sát quý II/2024 của NHNN cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024 với 57,3% tổ chức tín dụng cho rằng, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với quý I/2024; 30,9% đánh giá là không đổi và 11,8% lo ngại kết quả kinh doanh suy giảm.
MBS cũng đưa ra nhận định rằng, quý II/2024, nhìn chung lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng có mức tăng trưởng không cao, thậm chí một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm do cùng kỳ năm ngoái ở mức cao. Lợi nhuận ngành ngân hàng được MBS dự báo tăng trưởng ở mức 12%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là biên lãi ròng tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay giảm thêm theo yêu cầu của NHNN, trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ ở hầu hết ngân hàng.
BIDV cho biết, Ngân hàng có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5- 2,5% so với khách hàng thông thường, để thúc đẩy tăng trưởng. Trong gần 6 tháng đầu năm, BIDV giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng… Đó cũng chính là các yếu tố tác động lên lợi nhuận của Ngân hàng trong quý II/2024.
Thế nhưng, triển vọng về lợi nhuận của ngành này vẫn được đánh giá tích cực, dù có sự phân hóa. Theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital, ngành ngân hàng thường có lợi nhuận năm tăng trưởng 2 chữ số và với tỷ trọng hơn 35% giá trị vốn hoá của VN-Index và trên 60% tổng lợi nhuận của VN-Index, ngân hàng vẫn luôn thu hút được sự quan tâm của khối ngoại. Giá cổ phiếu ngân hàng tăng khoảng 14% kể từ đầu năm, cao hơn mức tăng của Chỉ số VN-Index là 10,2%. Ngoài ra, ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn (P/B khoảng 1,7 lần), tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu khoảng 18-20% là động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng.
Tác giả: Vân Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy