Ngân hàng tư nhân “rầm rập” tiến
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 7/4/2022, ACB công bố kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, tương đương tỷ lệ 25%. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.
Tháng 3 trước đó, VIB là ngân hàng đầu tiên tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022, thông qua các đề xuất chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%, qua đó tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng.
Ngày 23/4 tới, Techcombank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông. Kế hoạch kinh doanh năm 2022 được Ban lãnh đạo Ngân hàng đặt ra là lợi nhuận trước thuế tăng 16,2% so với năm 2021, đạt 27.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của các ngân hàng Việt Nam không cao và nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, nên các ngân hàng càng cần tăng vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính. |
Techcombank có kế hoạch phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của Ngân hàng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Techcombank dự kiến tăng thêm hơn 63 tỷ đồng, đạt trên 35.172 tỷ đồng.
Đối tượng tham gia chương trình ESOP năm nay bao gồm cả người lao động nước ngoài, nên Techcombank đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) từ 22,4724% lên 22,4595%.
SeABank vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2022, dự kiến tổ chức ngày 21/4, trong đó có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính, thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động như phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, SeABank dự kiến phát hành 211,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) dùng để trả cổ tức năm 2021, phát hành 109,7 triệu cổ phiếu thưởng (tương đương tỷ lệ 6,6%), phát hành 59,4 triệu cổ phiếu ESOP. Ngoài ra, tùy theo điều kiện phù hợp với mục tiêu đề ra, Ngân hàng có thể chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài 228,7 triệu cổ phiếu.
Với VPBank, không đợi đến Đại hội đồng cổ đông năm 2022, mà tại đại hội năm 2021, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Chí Dũng đã trình bày kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng vào năm 2022. Và tháng 3 vừa qua, VPBank đã thông báo điều chỉnh room ngoại từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
VPBank cho biết, việc điều chỉnh room để Ngân hàng có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài, tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành. Ngày 29/4 tới, VPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 25/4/2022, Hội đồng quản trị MB sẽ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng. Theo đó, MB sẽ phát hành gần 755,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 20%, thực hiện trong năm 2022.
Áp lực tăng vốn của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối
Trong nỗ lực không để bị tụt lại phía sau về vốn điều lệ, Vietcombank dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông ngày 28/4/2022 phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank đề nghị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để Ngân hàng tiếp tục tăng vốn điều lệ bằng cách giữ lại lợi nhuận sau thuế nhằm trả cổ tức bằng cổ phiếu, đồng thời có lộ trình tăng room, trước mắt lên 35%.
Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của BIDV là 50.585 tỷ đồng, VietinBank là 48.058 tỷ đồng, Vietcombank là 47.325 tỷ đồng, Agribank là 34.233 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực tăng vốn vẫn hiện hữu.
“Việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hết sức bức thiết để Ngân hàng có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài lợi nhuận để lại, cần dành ngân sách nhà nước tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, dự kiến là 31/12/2022. Việc này sẽ tăng giá trị vốn nhà nước khi cổ phần hóa”, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nói.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV chia sẻ, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang thực hiện theo chuẩn Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
Theo ông Tú, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống 11,1% vào tháng 6/2021. Trong đó, CAR của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối ở mức thấp hơn, khoảng 9,17% với 3 ngân hàng đã áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN và hơn 10% với Agribank - hiện đang áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
“Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, trước mắt thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên”, ông Tú nói.
Trong giải trình mới đây trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc tăng vốn cho Agribank và các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối khác là rất cần thiết, vì tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam so với các nước còn khá thấp. Khối ngân hàng thương mại cổ phần trong những năm qua tăng vốn tương đối mạnh mẽ, nhưng các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tăng vốn còn khiêm tốn.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn. Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kể từ giữa tháng 3/2022 có thể cản trở quá trình trở lại bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát.
Hơn nữa, theo chuyên gia của ADB, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát. Đến cuối quý I/2022, lạm phát bình quân tăng lên 1,9%, so với mức 0,3% của một năm trước đó. Lạm phát năm 2022 được dự báo sẽ tăng lên 3,8% và năm 2023 là 4%. Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
“Nợ xấu gia tăng là một rủi ro khác trong trung hạn. Nếu tính thêm các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng của Việt Nam ước tính là 8,2% tổng dư nợ”, chuyên gia của ADB nhận định.
Theo đó, vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Tác giả: Nhuệ Mẫn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy