Dòng sự kiện:
Các ngân hàng làm ăn ra sao trong nửa đầu năm 2021?
31/07/2021 15:43:48
Một số ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận khủng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) vừa công bố BCTC Hợp nhất quý II/2021.

VietinBank mạnh tay trích các chi phí khiến lợi nhuận quý II giảm, luỹ kế nửa đầu năm báo lãi 10.800 tỷ, thấp hơn ước tính trước đó.

Lý do khiến lợi nhuận 6 tháng của VietinBank tăng thấp hơn ước tính là đẩy mạnh trích các loại chi phí trong quý II. Cụ thể, chi phí hoạt động của VietinBank trong quý II tăng 28% so với cùng kỳ lên gần 4.200 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 222% lên 7.100 tỷ.

Khoản chi phí tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế của VietinBank trong quý II giảm 38% so với cùng kỳ xuống 2.790 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VietinBank vẫn báo lãi trước thuế hợp nhất tăng 45% so với cùng kỳ lên 10.850 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần và lãi từ dịch vụ tăng lần lượt 33% và 22%, đi kèm theo lãi khác (thường từ thu hồi nợ) tăng mạnh 234% khiến thu nhập hoạt động của nhà băng tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động trong nửa đầu năm của VietinBank tăng 17% lên gần 7.700 tỷ và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 28% lên 8.456 tỷ.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II, với mức thu nhập lãi thuần tăng hơn 37%. Trong khi đó, nhà băng ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ giảm mạnh 70% từ mức hơn 1.000 tỷ cùng kỳ năm ngoái xuống còn 300 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động của Vietcombank trong quý II vẫn tăng 20% nhưng nhà băng lại "mạnh tay" tăng các loại chi phí khiến lợi nhuận giảm.

Cụ thể, chi phí hoạt động tăng hơn 50% lên 4.632 tỷ đồng, cùng với đó là tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 74% lên 3.226 tỷ. Do đó, Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế riêng quý II giảm gần 16% so với cùng kỳ, đạt 4.700 tỷ đồng.

Việc báo lãi giảm trong quý II khiến lợi nhuận luỹ kế nửa đầu năm của Vietcombank tăng ở mức tương đối 25% lên 13.750 tỷ đồng, dẫn đầu lợi nhuận so với các nhà băng đã công bố. Tuy nhiên, con số lợi nhuận này có thể chưa phản ánh hết "thực lực" của Vietcombank do nhà băng này đang giữ tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức cao 350%.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong 6 tháng đầu năm có mức lợi nhuận tăng trưởng hơn 85%, tương tự với xu hướng chung của ngành.

Với kết quả này, lợi nhuận của nhà băng có quy mô tài sản top đầu hệ thống, đang xếp thứ 5 sau Vietcombank, VietinBank, Techcombank và VPBank.

Thu nhập từ hoạt động tín dụng nửa đầu năm nay đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi phí lãi và chi phí tương tự giảm hơn 20% khiến thu nhập lãi thuần của BIDV tăng hơn 46%. Lãi thuần từ dịch vụ đóng góp 10% thu nhập hoạt động (TOI) của BIDV, tăng gần 40%.

Lãi khác của BIDV trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng gần 120% so với cùng kỳ lên 3.966 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động nửa đầu năm của BIDV tăng hơn 40% lên hơn 31.660 tỷ trong khi chi phí hoạt động tăng chỉ 9% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 60% lên 23.546 tỷ. Trong kỳ nhà băng trích hơn 15.400 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gần 90% so với cùng kỳ.

Nhìn chung mức lợi nhuận tăng trưởng 86% của BIDV đến từ tổng hòa các yếu tố gồm tăng thu từ tín dụng, thu dịch vụ, thu nợ ngoại bảng và kiểm soát chi phí hoạt động.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế tăng lên hơn 2.400 tỷ đồng.

Nửa đầu năm, tuy thu nhập từ hoạt động tín dụng giảm nhưng chi phí lãi và chi phí tương tự giảm mạnh hơn, nên thu nhập lãi thuần của Sacombank vẫn tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ dịch vụ tăng hơn 25%, đóng góp gần 20% thu nhập hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, Sacombank thu lãi từ hoạt động khác gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 530 tỷ đồng nửa đầu năm.

Không có khoản thu bất thường hay các khoản lãi tăng vọt so với cùng kỳ, tổng thu nhập hoạt động của Sacombank tăng trưởng ở mức tương đối 19% so với cùng kỳ lên gần 8.890 tỷ đồng. Nhà băng này kiểm soát chi phí hoạt động tăng nhẹ 12% lên 5.000 tỷ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 7% về 1.460 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi trước thuế tăng hơn 70% lên 2.424 tỷ đồng.

Tính đến hết quý II, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng tăng 6% so với đầu năm lên 361.100 tỷ, số dư huy động tiền gửi đi ngang ở mức 430.000 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,7% hồi đầu năm xuống còn 1,55%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 94% lên 103%.

Trao đổi trên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng lợi nhuận của từng NH đến từ các mảng kinh doanh khác nhau, chứ không hẳn vấn đề chênh lệch lãi suất huy động và cho vay.

Quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ và dư nợ của các ngân hàng ở mức cao, lên hàng trăm ngàn đến triệu tỉ đồng, nên nghe lợi nhuận hàng ngàn tỷ rất cao nhưng tính tỷ lệ sinh lời thì không cao so với một số ngành nghề khác. Ngoài lợi nhuận từ tín dụng mang lại, tỷ lệ thu từ các sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng cũng tăng lên nhiều năm gần đây khi ngân hàng đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ công nghệ, tiết giảm chi phí. Lợi nhuận ngân hàng cao là dấu hiệu đáng mừng, bởi ngân hàng khỏe thì mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đóng thuế.

Để giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã giảm lợi nhuận 3.000 - 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Đó là chưa kể để việc tạo thuận lợi cho các ngân hàng hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19, Thông tư 01 và Thông tư 03 quy định về việc các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí.

Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh. Lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu, nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu và không được ghi nhận vào lợi nhuận.

 Bảo Khánh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến