Dòng sự kiện:
Các nhà đầu tư Nhật Bản đang đổ tiền vào trái phiếu Mỹ
17/08/2023 08:52:22
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, hoạt động mua ròng các công cụ nợ trung và dài hạn của Mỹ đạt 13.600 tỷ yen (93 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, một kỷ lục trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ năm 2014.

Đồng USD tại một ngân hàng ở Washington, DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Nikkei Asia ngày 16/8, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đổ tiền vào trái phiếu Mỹ do suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, hoạt động mua ròng các công cụ nợ trung và dài hạn của Mỹ đạt 13.600 tỷ yen (93 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, một kỷ lục trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ năm 2014.

Một điều chỉnh chính sách gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã khiến trái phiếu Chính phủ Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn, với khả năng dòng tiền sẽ quay trở lại với trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản trong nửa cuối năm.

Vào năm 2022, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, các nhà đầu tư Nhật Bản buộc phải bán trái phiếu nước ngoài. Doanh số bán trái phiếu trung và dài hạn của Mỹ trong năm đó đạt 15.700 tỷ yen, mức cao nhất từ trước đến nay. Các nhà đầu tư đã mua lại gần 90% số tiền đó chỉ trong nửa đầu năm nay.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Nhật Bản nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lên tới khoảng 1.100 tỷ USD tính đến tháng 5/2023, một trong những nước nắm giữ trái phiếu Mỹ ở mức cao hàng đầu thế giới.

Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng tích cực mua trái phiếu trung và dài hạn của Australia, mua ròng 614,4 tỷ yen trong nửa đầu năm, gấp khoảng 1,5 lần so với mức 411,7 tỷ yen đã bán vào năm 2022.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng đối với trái phiếu châu Âu, mua ròng 312,6 tỷ yen trong nửa đầu năm, chỉ bằng 7% trong số 4.270 tỷ yen được bán vào năm 2022.

Sự khác biệt bắt nguồn từ các chu kỳ lãi suất ở Mỹ, Australia và châu Âu.

Tại Mỹ, Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022, nâng lãi suất chính sách thêm 400 điểm cơ bản vào cuối năm 2022. Australia, quốc gia bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 5/2022, đã tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản vào cuối năm.

Do lãi suất tăng nhanh và lạm phát giảm, cả hai nước sẽ là những nước đầu tiên trong số các nền kinh tế phát triển chấm dứt việc tăng lãi suất. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu tăng lãi suất tương đối muộn, vào tháng 7/2022 và lạm phát vẫn ở mức cao.

Masahito Okamura, Giám đốc Nhóm kế hoạch Đầu tư tại Meiji Yasuda Life, cho biết: “Thật khó để mua trái phiếu châu Âu vì rủi ro lãi suất cao hơn, vì không rõ ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức độ nào."

Thế nhưng sự điều chỉnh chính sách của BoJ đã cản trở xu hướng này. Vào cuối tháng 7/2023, ngân hàng trung ương này đã điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và cho phép lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng trên 0,5%.

Sau khi điều chỉnh, lợi suất trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong gần 10 năm. Lợi suất tiếp tục tăng, cùng với việc không có rủi ro tỷ giá hối đoái đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, có thể khiến các nhà đầu tư Nhật Bản chuyển từ trái phiếu nước ngoài trở lại với trái phiếu Chính phủ Nhật Bản.

Đồng yen đã mất giá tới mức 145 đổi 1 USD và "xét đến rủi ro phát sinh lỗ ngoại hối do đồng yen tăng giá trong tương lai, rất khó để mua trái phiếu nước ngoài nếu không có hàng rào," Tatsuki Nagano, Giám đốc quỹ của All Nippon cho biết.

Trong báo cáo ổn định tài chính công bố hồi tháng 5/2023, ECB cảnh báo việc bình thường hóa tiền tệ của Nhật Bản có thể khiến giá trái phiếu châu Âu giảm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết vào tháng 4/2023 rằng các thị trường trái phiếu ở châu Âu, Mỹ và các nơi khác có thể phải đối mặt với dòng vốn chảy ra ngoài do những thay đổi chính sách của BoJ.

Các nhà đầu tư Nhật Bản không coi những thay đổi trong nước làm rung chuyển thị trường trái phiếu toàn cầu. Koichi Sugisaki, chiến lược gia tại Morgan Stanley MUFG Securities, cho biết: “Mặc dù có khả năng tiền sẽ quay trở lại trái phiếu bằng đồng yen, nhưng những người tham gia chính sẽ chỉ giới hạn ở các công ty bảo hiểm nhân thọ."

Yuji Yamazaki, chiến lược gia cấp cao về tiền tệ và trái phiếu nước ngoài tại SMBC Nikko Securities, cho biết "sự phục hồi sẽ tiến triển chậm trong vài năm. Thật khó để tưởng tượng một sự thay đổi mạnh mẽ trong vòng chưa đầy một năm"./.

Tác giả: Nguyễn Tuyến

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến