Dòng sự kiện:
Các nhà khoa học biết gì về biến chủng virus mới?
02/01/2021 15:57:13
Biến chủng mới của virus corona đã xâm nhập hàng chục quốc gia, giới khoa học cho biết cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ về các đặc tính của biến chủng này.

Biến chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu ở Anh. Các nhà khoa học tin rằng trong 3 tháng gần đây, biến chủng này là dạng thức virus phổ biến nhất tại Anh, làm các ca nhiễm mới bùng nổ.

Giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới có thể gây ra tình trạng tương tự ở các quốc gia khác mà nó đã xâm nhập, khiến số người nhiễm bệnh và tử vong tăng vượt mức kiểm soát, đồng thời vắt kiệt hệ thống y tế vốn đã quá tải.

Biến chủng mới dễ lây lan hơn đồng nghĩa người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay và cải thiện hệ thống thông gió.

New York Times đã có cuộc phỏng vấn với các chuyên gia để trả lời các câu hỏi liên quan tới biến chủng mới và khả năng lây lan của nó.

Dễ lây lan giữa người và người

Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều biến chủng của virus corona đã xuất hiện. Tuy nhiên, các bằng chứng tới nay cho thấy biến chủng mới được phát hiện lần đầu ở Anh, có tên gọi B.1.1.7, có khả năng lây lan giữa người với người cao hơn các biến chủng khác.

Lần đầu xuất hiện ở Anh vào tháng 9, biến chủng này tới nay đã chiếm hơn 60% các ca bệnh mới tại thủ đô London và khu vực lân cận.

Trong phạm vi cùng một môi trường, biến chủng mới dường như lây nhiễm cho nhiều người hơn các phiên bản virus corona trước đây. Hiện chưa rõ nguyên nhân phía sau khả năng lây nhiễm của biến chủng B.1.1.7, tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy biến chủng mới có thể xâm nhập các tế bào hiệu quả hơn.

Hiện chưa có kết luận chính xác mức độ lây nhiễm của biến chủng mới so với các phiên bản virus trước đó, bởi các nhà khoa học chưa thực hiện đủ các thí nghiệm cần thiết. Phần lớn kết luận tới nay đều xuất phát từ quan sát dịch tễ học.

Biến chủng mới có thể đã xuất hiện ở Anh từ tháng 9. Ảnh: NPR.

"Và có thể có nhiều định kiến trong các dữ liệu thu thập được tới nay", Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học St. Andrews đồng thời là cố vấn khoa học của chính phủ Anh, nói.

Ban đầu, các nhà khoa học ước tính biến chủng mới dễ lây lan hơn đến 70%. Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu mới đây kết luận con số trên chỉ là 56%.

Khi các nhà khoa học sàng lọc hết toàn bộ dữ liệu cần thiết, mức độ lây nhiễm của biến chủng mới có thể chỉ cao hơn từ 10-20%, theo giáo sư Trevor Bedford của Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson.

Cách thức hoạt động không đổi

Dù dễ lây lan hơn, biến chủng mới dường như duy trì những đặc tính tương tự với các biến chủng virus trước đó.

Tới nay, chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng mới gây ra tình trạng bệnh lý nặng hơn, hay gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn, đối với người mắc.

Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm mạnh hơn của biến chủng mới sẽ làm tăng số người chết vì dịch bệnh, bởi đơn giản nó phát tán nhanh hơn, khiến số người mắc bệnh cao hơn.

"Hậu quả sẽ trầm trọng hơn ở các nước như Mỹ và Anh, nơi hệ thống y tế đang sắp vỡ trận", giáo sư Angela Rasmussen, chuyên gia về virus tại Đại học Georgetown, nhận xét.

Con đường lây lan của biến chủng mới không có sự khác biệt, vẫn là qua các giọt bắn trôi nổi trong không khí, đặc biệt có mật độ dày đặc trong không gian kín. Điều này đồng nghĩa đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, tăng cường hệ thống thông khí trong nhà, sẽ giúp giảm nguy cơ virus phát tán, tương tự cách đối phó với các biến chủng virus trước đây.

"Bằng cách giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với bất kỳ loại virus nào, chúng ta cũng giảm nguy cơ nhiễm biến chủng mới virus corona, giảm nguy cơ mắc bệnh", giáo sư Rasmussen nói.

Đeo khẩu trang và giãn cách xã hội giúp giảm nguy cơ nhiễm biến chủng mới. Ảnh: AFP.

Nồng độ virus cao hơn

Một số bằng chứng sơ bộ từ các bệnh nhân ở Anh cho thấy người nhiễm biến chủng mới có xu hướng mang lượng virus ở mũi và họng nhiều hon so với bệnh nhân nhiễm các phiên bản trước đây.

"Chúng ta đang nói tới phạm vi từ 10 lần cho đến 10.000 lần", ông Michael Kid, cố vấn y tế của chính phủ Anh, cho biết.

Bởi giáo sư Kidd và các cộng sự không được tiếp cận thông tin thời điểm bệnh nhân làm xét nghiệm, điều có thể ảnh hưởng tới số lượng virus trong cơ thể, vì vậy có thể vẫn có cách giải thích khác cho con số đáng kinh ngạc 10.000 lần nêu trên.

Mặc dù vậy, nghiên cứu mang tới một cách giải thích tương đối hợp lý cho hiện tượng biến chủng mới dễ lây nhiễm hơn. Khi virus tập trung nhiều ở mũi và họng của bệnh nhân, nó sẽ phát tán nhiều hơn ra không khí khi người nhiễm thở, nói chuyện, ho hoặc hắt xì.

Một số dữ liệu mới cho thấy số người nhiễm virus từ một người mang biến chủng B.1.1.7 là cao hơn so với các phiên bản virus trước đó.

Người mắc các phiên bản virus cũ có thể lây bệnh cho 10% những người tiếp xúc gần trong phạm vi 2 m và thời gian tiếp xúc tối thiểu 15 phút. Đây là điều kiện khoảng cách và thời gian bảo đảm người khỏe mạnh hít đủ lượng virus dẫn tới nhiễm bệnh.

"Với biến chủng mới, số người tiếp xúc gần mắc bệnh tăng lên 15%. Các hoạt động vốn đã rủi ro hiện nay sẽ trở nên nguy hiểm hơn", giáo sư Bedford nói.

Tiếp tục nghiên cứu cách đột biến thay đổi virus

Biến chủng mới mang theo 23 đột biến so với phiên bản virus khiến dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán một năm trước. Trong số này, có đến 17 đột biến khác hẳn so với phiên bản tổ tiên gần nhất của nó.

Mỗi người nhiễm bệnh là một nhân tố quan trọng tạo cơ hội cho virus đột biến trong quá trình nó tự nhân đôi. Với hơn 83 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu, virus corona đang tích lũy các đột biến nhanh hơn so với tính toán của các nhà khoa học khi dịch bệnh mới bùng phát.

Hiện chưa rõ cơ chế phía sau đột biến khiến biến chủng mới dễ lây lan hơn. Ảnh: Reuters.

Đa phần các đột biến không mang lại lợi thế tiến hóa cho virus và chúng sớm biến mất. Các đột biến làm tăng độc lực và khả năng lây nhiễm của virus có cơ hội phát triển cao hơn.

Đối với biến chủng mới, ít nhất một trong 17 đột biến mang lại cho nó khả năng lây lan mạnh hơn. Cơ chế phía sau đột biến này hiện vẫn chưa được tìm ra. Một số dữ liệu cho thấy biến chủng mới bám chặt hơn vào protein trên bề mặt tế bào cơ thể người.

Cũng có khả năng biến chủng mới tập trung lượng lớn virus ở mũi và họng của người bệnh, nhưng không thay đổi số lượng virus ở phổi. Điều này có thể giải thích vì sao virus dễ dàng lây lan nhưng không khiến tình trạng bệnh lý trên người nhiễm trầm trọng hơn. Đây cũng là cách một số virus cúm hoạt động, các nhà khoa học lưu ý.

"Đây là bằng chứng sơ bộ và chúng ta cần thu thập thêm dữ liệu. Về cơ bản, con người cần cẩn trọng hơn, tìm ra những lỗ hổng trong các biện pháp phòng chống dịch bệnh", giáo sư Cevik cho biết.

Tác giả: Duy Anh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến