Ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang lao đao vì thiếu điện. Theo Bloomberg, trong nhiều tháng qua, nguồn cung điện căng thẳng tại các tỉnh công nghiệp trọng điểm đã khiến hoạt động sản xuất kim loại từ nhôm đến thép chững lại nghiêm trọng.
Giờ đây, các nhà sản xuất hàng hóa cao cấp cũng bắt đầu gặp khó khăn. Rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng phình to. Tồi tệ hơn nữa, cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan sang lĩnh vực khiến Bắc Kinh lo ngại nhất. Đó là thực phẩm.
Gần một nửa địa phương ở Trung Quốc đã vượt quá các mục tiêu tiêu thụ năng lượng mà chính quyền trung ương tại Bắc Kinh đặt ra. Chính quyền địa phương đang siết chặt quy định sản xuất điện than trước sức ép đạt mục tiêu cắt giảm khí thải.
Các nhà máy tại Trung Quốc gặp khó khăn khi nguồn cung điện sụt giảm. Nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc đang siết chặt quy định sản xuất điện than trước sức ép đạt mục tiêu cắt giảm khí thải. Ảnh: Financial Times.
Sức ép đạt mục tiêu năng lượng
Những nơi bị ảnh hưởng nhất là 3 tỉnh công nghiệp Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, chiếm 1/3 nền kinh tế Trung Quốc.
Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc là đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho 1,4 tỷ người dân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện đã buộc các nhà máy chế biến đậu nành ở phía bắc ngừng hoạt động. Giá phân bón cũng tăng vọt.
Một số nhà máy đậu nành của Louis Dreyfus Co., Bunge Ltd. và đơn vị Yihai Kerry của Wilmar International Ltd. nằm trong số những nhà máy bị ảnh hưởng. Đậu nành được chế biến thành dầu ăn và thức ăn gia súc.
Trung Quốc đặt mục tiêu việc sử dụng điện tăng với tốc độ thấp hơn GDP. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, tiêu thụ điện đã tăng 16,2%, còn GDP chỉ tăng trưởng 12,7%. Đáng nói, GDP có xu hướng giảm tốc trong nửa cuối năm, còn tiêu thụ điện sẽ tăng cao vào mùa đông.
Giới quan sát cho rằng phần lớn cú sốc nguồn cung năng lượng là do chính quyền Trung Quốc tạo ra để đáp ứng mục tiêu năng lượng. Các nhà máy sản xuất hàng hóa tiêu tốn nhiều năng lượng đã lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh.
Nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động vì tình trạng thiếu điện trầm trọng. Ảnh: Financial Times.
"Mối đe dọa là trong năm nay, các chính sách của chính phủ sẽ hạn chế tiềm năng sản xuất của ngành năng lượng", ông Zeng Hao, chuyên gia trưởng tại Công ty tư vấn Shanxi Jinzheng Energy, bình luận.
Một số chuyên gia lo ngại rằng các động thái của Trung Quốc có thể cản trở hoạt động của những nhà máy chế biến ngô, được sử dụng để tạo ra tinh bột và siro.
Theo Bloomberg, phân bón đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực. Đà tăng giá gần đây đã thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Tuần này, một công ty quốc doanh của Trung Quốc bị phạt vì tăng giá phân bón. Hồi đầu năm, các nhà chức trách cũng cảnh báo về hành vi tích trữ và "chém giá".
Trong vài tháng qua, cuộc khủng hoảng điện tại quốc gia tiêu thụ kim loại cơ bản hàng đầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy luyện và chế tạo kim loại. Cung và cầu của mọi hàng hóa, từ đồng đến thiếc, đều chịu tác động.
Giá cả tăng vọt
Tính đến nay, các nhà máy nhôm, sử dụng nhiều năng lượng, chịu tác động rõ rệt nhất. Theo Goldman Sachs Group Inc., điều này đã làm giảm nguồn cung nhôm, thúc đẩy đà tăng giá của kim loại này lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Ngành công nghiệp này sẽ chịu sức ép lớn hơn nữa khi nhu cầu điện tại Trung Quốc tăng cao vào mùa đông.
Các nhà máy thép - mục tiêu chính trong chiến dịch cắt giảm khí thải của Trung Quốc - cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu điện. Giá quặng sắt, nguyên liệu chính để sản xuất thép, đã giảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng 5.
Theo nhà nghiên cứu Mysteel, chỉ riêng trong tháng 9, hơn 80 nhà máy thép tại Trung Quốc đã tạm ngừng sản xuất để bảo trì và tiết kiệm năng lượng.
Đầu tháng này, giá niken tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, những lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đã làm mờ triển vọng tiêu thụ thép không gỉ.
Theo Mysteel, tại tỉnh Phúc Kiến, trung tâm sản xuất thép không gỉ của Trung Quốc, một số nhà máy đã bắt đầu tạm ngừng sản xuất. Sản lượng hàng tháng trên toàn quốc sẽ giảm hơn nửa triệu tấn.
Tác động đối với một số thị trường hàng hóa nhỏ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Tháng này, giá silicon tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Trung Quốc áp đặt hạn chế nguồn cung. Giá đã tăng gấp 4 lần trong năm nay. Điều này sẽ gây tác động lớn đến các nhà sản xuất nhôm.
Nguồn cung hạn chế cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá polysilicon, nguyên liệu đầu vào chính cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời, theo nhóm nghiên cứu Trung Quốc Shanghai Metal Markets.
Tác giả: Thảo Cao
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy