Dòng sự kiện:
Các NHTW đang chơi một trò chơi nguy hiểm
29/07/2019 16:02:38
Các NHTW trên thế giới đang đối mặt với hiểm nguy khi tích tụ quá nhiều vấn đề rủi ro với việc ra tay hành động để đảm bảo việc đà tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng.

Cuộc họp chính sách tháng 7 của NHTW châu Âu (ECB) đã kết thúc hôm thứ Năm (25/7) với việc cơ quan này phát đi tín hiệu sẽ sớm cắt giảm lãi suất cho dù hiện vẫn giữ nguyên. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp vào tuần tới, cuộc họp đang được thị trường dự báo là Fed có thể thực hiện cắt giảm ngay lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang có xu hướng leo thang. Trong khi một loạt các nền kinh tế mới nổi đã cắt giảm chi phí vay mượn.

Nới lỏng tiền tệ có thể làm nổ bong bóng tài sản

Một lý do khác khiến các nhà hoạch định chính sách tại Fed và ECB sẵn sàng nới lỏng tiền tệ chính là niềm tin rằng lạm phát sẽ không bùng phát mạnh. Thậm chí họ còn đang chờ đợi việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp nâng lạm phát mà họ cho là quá thấp hiện nay.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm lãi suất vốn đang ở mức rất thấp hiện nay có nguy cơ bơm thêm vào bong bóng tài sản khiến nó có thể bị vỡ tung, cũng như làm gia tăng thêm các công ty zombie. Các NHTW cũng đang khuyến khích việc sử dụng đòn bẩy một cách nguy hiểm khi mà tổng khối lượng nợ trên toàn thế giới đã lên tới 250 nghìn tỷ USD.

Đơn cử động thái cắt giảm lãi suất của Fed sẽ “khuyến kích các hoạt động rủi ro không mong muốn của người vay và cuối cùng sẽ làm sâu sắc thêm cuộc suy thoái tiếp theo”, Steven Ricchiuto – Nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Mizuho Securities USA LLC cho biết.

Tuần trước, Giám đốc điều hành của Tập đoàn UBS AG Sergio Ermotti cũng đã cảnh báo chính sách tiền tệ lỏng hơn có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản.“Fed đang chuẩn bị cắt giảm lãi suất khi tăng trưởng xoay quanh mức tiềm năng, tỷ lệ thất nghiệp thấp... Hệ quả là khi suy thoái cuối cùng đã đến, động thái cắt giảm lãi suất vốn được coi là “bảo hiểm” cần thiết vào thời điểm đó sẽ được nhìn nhận trong một hoàn cảnh rất khác. Không gian chính sách không thể được sử dụng hai lần”, Tom Orlik -Nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics cho biết.

Bản thân Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã gợi ý rằng hai đợt tăng trưởng kinh tế gần đây của Mỹ đã kết thúc không phải vì lạm phát tăng quá cao, mà vì thị trường tài sản quá bong bóng. Nhớ lại thời điểm năm 2000, giá cổ phiếu đặc biệt là của các công ty công nghệ cao đã tăng rất mạnh. Còn năm 2007 là giá nhà. Chính vì vậy, trong bối cảnh giá cổ phiếu của Mỹ đang dao động gần sát mức cao kỷ lục và khoảng 13 nghìn tỷ USD trái phiếu mang lại lợi suất âm như hiện nay, nỗi lo “lịch sử lặp lại” là hoàn toàn có cơ sở.

“Chắc chắn trong giai đoạn giá tài sản tăng lên rất cao, bạn nên lo lắng về việc làm nóng thêm giá tài sản đó”, Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình CNBC ngày 19/7 và ông cũng ngỏ ý sẽ phản đối động thái cắt giảm lãi suất.

Mặc dù giá cổ phiếu chưa nằm trong khu vực bong bóng, nhưng chúng có thể tiến tới khu vực này trong vòng 6 đến 9 tháng tới nếu các nhà đầu tư tin rằng Fed có thể bảo vệ họ khỏi thua lỗ, Ethan Harris –Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America cho biết. “Nếu thực hiện cắt giảm lãi suất quá sớm nó sẽ tạo ra bong bóng (tài sản)”, ông nói.

Bên cạnh thị trường tài sản, các công ty zombie cũng sẽ được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn. Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), số lượng các công ty zombie - những công ty không có khả năng trả nợ từ lợi nhuận hoạt động trong một thời gian dài và đã không còn triển vọng tăng trưởng - đã tăng lên cao nhất trong nhiều thập kỷ ở các nền kinh tế tiên tiến. Phân tích của BIS cho thấy, lãi suất thấp hơn là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phổ biến của các công ty zombie.

Trong khi những công ty zombie này đang hủy hoại tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế, không chỉ do hoạt động sản xuất yếu kém của họ mà còn bởi sự chiếm dụng nguồn lực đáng lý phải được dành cho các doanh nghiệp có hiệu suất cao hơn.

Cũng có không ít ý kiến biện hộ cho việc nới lỏng tiền tệ của các NHTW lớn trong bối cảnh hiện nay. “Đúng là họ đã thúc đẩy bong bóng giá tài sản. Đúng là có những lo ngại rằng một số công ty có tiềm năng tăng trưởng thấp và không có khả năng trang trải khối lượng nợ ngày một tăng”, Gabriel Sterne của Oxford econom Ltd. nói.“Nhưng có những điểm quan trọng hơn là rủi ro lạm phát tăng rất nhỏ, tăng trưởng quá thấp, chính sách tài khóa quá nhút nhát - ngoại trừ ở Mỹ…”.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng nhiều năm duy trì lãi suất ở mức cực thấp trước đó đã để lại một di sản rất đáng lo ngại. Đơn cử một ví dụ là số lượng trái phiếu rác được bằng đồng euro với lợi suất âm - một tình trạng mà thời gian gần đây liên quan đến những quốc gia vay nợ được đánh giá là cực kỳ an toàn - hiện đã tăng lên gần 14 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu được biên soạn bởi Bloomberg.

Trong khi nợ toàn cầu đã tăng thêm tới 3 nghìn tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2019 và hiện chiếm gần 320% sản lượng kinh tế toàn cầu, theo Viện Tài chính quốc tế. Đáng lo ngại, các công ty ở các thị trường mới nổi đang ngày càng dựa vào các khoản vay ngắn hạn.

Bởi vậy “việc cắt giảm lãi suất không phải là không có rủi ro”, Janet Henry - Nhà kinh tế trưởng tại HSBC Holdings Plc cho biết.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến