Dòng sự kiện:
Các NHTW không thể một mình cứu kinh tế thế giới
18/07/2019 17:16:42
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu lại một lần nữa được trao trọng trách thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Thế nhưng nhiều ngân hàng trung ương lớn đang yêu cầu các chính phủ tham gia cùng họ trong nỗ lực giải cứu.

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), thậm chí cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đều được dự đoán sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới. Thế nhưng do dư địa chính sách là hạn hẹp hơn nhiều so với thời gian trước, các ngân hàng trung ương đang nói với các chính phủ của mình rằng họ sẽ cần phải hành động nếu xảy ra một cuộc suy thoái.


Những đề xuất như vậy có thể sẽ tới vào thứ Tư khi các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 sẽ nhóm họp ở phía bắc Paris, Pháp. Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí có thể rơi vào suy thoái nếu cuộc chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang và mở rộng ra toàn cầu. Diễn biến hiện nay tại một số thị trường trái phiếu đã phản ánh phần nào nỗi lo về nguy cơ suy thoái ngày càng tăng.

Thậm chí Pháp - nước chủ nhà của Hội nghị G7 lần này chính là một trường hợp cần lưu ý. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cần 17 tỷ euro (19,2 tỷ USD) để hỗ trợ người hưu trí và người lao động có thu nhập thấp nhằm đáp ứng yêu cầu của phe biểu tình Áo vàng. Mặc dù điều này có thể trái với phương châm giảm thâm hụt ngân sách của ông, nhưng nó đang cho thấy những bất ổn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Tăng trưởng năm 2019 của Pháp được dự kiến ​​sẽ vượt xa mức trung bình của khu vực đồng euro lần đầu tiên sau 6 năm.

“Chúng ta đang chứng kiến rủi ro chính trị gia tăng ở khắp mọi nơi. Vì vậy việc giải quyết tăng trưởng yếu ớt để mang lại lợi ích cho tất cả là rất cấp bách. Điều đó không thể đạt được nếu chỉ dựa vào chính sách tiền tệ”, Laurence Boone - Nhà kinh tế trưởng tại OECD cho biết.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã sẵn sàng phát huy vai trò của mình để bảo toàn đà tăng trưởng kinh tế của nước mình và qua đó là toàn cầu. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước đã xác nhận ông sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này. Trong khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng có quan điểm tương tự.

Nhưng với dư địa chính sách hạn hẹp, cộng thêm một bảng cân đối tài sản lớn, các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương cho biết lần này họ khó có thể làm điều đó một mình. Lấy ví dụ trường hợp của Fed. Hiện lãi suất cho vay qua đêm chuẩn của Fed chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước cuộc suy thoái trong quá khứ nên dư địa để cắt giảm lãi suất là rất nhỏ. Trong khi đó BoJ và ECB còn gặp nhiều khó khăn hơn khi mà lãi suất đã ở dưới mức 0 rồi.

“Chúng tôi hy vọng sẽ thấy chính sách tài khóa trở thành chính sách tiền tệ mới trong tương lai”, Andrew Bosomworth - một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Pacific Investment Management Co. cho biết với hàm ý chính sách tài khóa sẽ thay thế chính sách tiền tệ đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Mặc dù Powell đã cảnh báo rằng tình hình tài chính của Hoa Kỳ không bền vững trong dài hạn. Nhưng trong bài phát biểu điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần trước, ông nói rằng sẽ “không phải là một điều tốt để chính sách tiền tệ đóng vai trò là người chơi chính”. Trước đó Mỹ đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 từ gói cải cách thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD của Tổng thống Donald Trump, nhưng tác động của nó đang yếu dần.

Trong khi ở châu Âu, Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng đã phàn nàn rằng chính sách tiền tệ đã phải mang một gánh nặng không cân xứng trong suốt thập kỷ qua.

Tuy nhiên, một số người nói rằng, thông điệp đó có thể được chuyển tải hiệu quả hơn bởi Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde khi bà thay thế ông Draghi vào tháng 11. Bà đã từng tuyên bố rằng trong đợt suy thoái tiếp theo, “kích thích tài chính ở bất cứ nơi nào có thể” là điều cần thiết.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney - một ứng cử viên tiềm năng để thay thế bà Lagarde tại IMF, cũng ủng hộ ý tưởng này.

Những lời kêu gọi của các ngân hàng trung ương càng có thêm sức nặng do sự sụp đổ của lợi suất trái phiếu toàn cầu đang tạo điều kiện cho các chính phủ vay tiền rẻ hơn. Thậm chí ở nhiều quốc gia châu Âu như Đức, các nhà đầu tư còn đang trả tiền để chính phủ vay trong tối đa 15 năm. Chỉ có một trở ngại đó là nhiều quốc gia trong khối đang đối mặt với tỷ lệ nợ cao. Chẳng hạn, Pháp là gần 100% GDP, trong khi Ý còn cao hơn.

Theo OECD, giải pháp cho khu vực đồng euro là phối hợp giữa các biện pháp kích thích tài khóa ở một số quốc gia với cải cách cơ cấu ở các quốc gia khác, song song với chính sách tiền tệ nới lỏng. Ước tính rằng nếu giải pháp đó được thực thi sẽ làm tăng mức tăng trưởng GDP khoảng 0,75 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới.

“Đối với hầu hết các nước công nghiệp tiên tiến, không gian chính sách tiền tệ là vô cùng hạn chế”, Willem Buiter - người trước đây đã từng hoạch định chính sách tại BoE và hiện đang là cố vấn kinh tế đặc biệt cho Citigroup nói. “Chúng ta cần các công cụ tài chính để bảo vệ bản thân trước sự suy giảm (tăng trưởng) có thể xảy ra trong suy thoái kinh tế toàn cầu”.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : kinh tế , nhtw
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến