Dòng sự kiện:
Các ông chủ đang nắm bao nhiêu vốn ngân hàng?
26/07/2024 07:06:24
Danh sách các cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên được các nhà băng công bố theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã hé lộ sở hữu của các ông chủ tại ngân hàng,

Gần đây, nhiều ngân hàng đã công bố danh sách các cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, qua đó hé lộ sở hữu của một loạt cổ đông cá nhân và tổ chức tại các ngân hàng.

Hé lộ sở hữu của giới chủ ngân hàng

Theo danh sách cổ đông của OCB, Aozora Bank, Ltd hiện là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu ngân hàng nhất, chiếm 15% vốn điều lệ. Hai cổ đông nước ngoài khác là Portal Global Limited và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) lần lượt sở hữu hơn 3% và 2% vốn OCB. Tổng sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại tại OCB hiện chiếm hơn 20%.

Trong khi đó, 17 cá nhân và doanh nghiệp trong nước còn lại nắm giữ hơn 60% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB và những người có liên quan hiện nắm giữ tới gần 20% vốn ngân hàng.

Về cổ đông tổ chức, ngoài Văn phòng Thành ủy sở hữu gần 4% vốn, 9 doanh nghiệp khác cũng đang nắm giữ gần 32% cổ phần OCB.

Nhóm này gồm Tổng công ty Bến Thành (4,96%), Công ty CP đầu tư Bình An House (4,7%), Công ty CP Greenwave Capital (4,4%), Công ty CP Đầu tư HVR (3,85%), Công ty CP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh (3,2%), Công ty CP Năng lượng tái tạo Hve (3,1%), Công ty CP Next Green Capital (2,89%), Công ty CP Đầu tư và Xây lắp điện số (3,26%), Công ty TNHH Đầu tư TQA (1,1%).

Ngoài OCB, các ngân hàng khác cũng đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên.

Đơn cử như LPBank, ngân hàng nơi ông Nguyễn Đức Thụy đang làm Chủ tịch HĐQT. Theo danh sách công bố, cá nhân ông Thụy đang nắm gần 3% vốn ngân hàng, trong khi những người có liên quan ông Thụy sở hữu rất ít vốn.

LPBank cũng chỉ có 1 cổ đông tổ chức nắm giữ trên 1% vốn điều lệ là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với gần 7% vốn.

Tương tự, MSB đã công bố danh sách 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên. Đáng chú ý, danh sách này chỉ bao gồm duy nhất 1 cá nhân và 10 cổ đông còn lại là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư. Tổng cộng, 11 cổ đông này sở hữu khoảng 35% vốn ngân hàng.

Cá nhân duy nhất sở hữu trên 1% vốn MSB là ông Nilesh Ratilal Banglorewala, hiện nắm hơn 3%. Vị này từng giữ chức Giám đốc khối tại MSB và cũng có thời gian là Thành viên HĐQT của PGBank.

Về cổ đông tổ chức, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đang nắm giữ hơn 6% vốn MSB. Số cổ đông tổ chức còn lại xuất hiện nhiều doanh nghiệp có mối liên hệ với Tập đoàn ROX (trước đây là TNG Holdings). Trong đó, Chủ tịch HĐQT ROX Group là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, chính là vợ của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của MSB.

Danh sách cổ đông tổ chức nắm từ 1% vốn MSB trở lên. Ảnh: MSB.

Cụ thể, 3 công ty nằm trong hệ sinh thái của ROX Group có tên trong danh sách cổ đông phải công bố thông tin của MSB gồm CTCP ROX Key Holdings (hơn 2% vốn); CTCP Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL (1% vốn) và CTCP Đầu tư Xây dựng ROX Cons (gần 2% vốn).

Ngoài ra, Công ty TNHH Khu nghỉ Dưỡng Bãi Dài đang nắm gần 5% vốn của MSB, cũng có mối liên hệ với ROX Group khi CTCP TNG Realty - công ty thành viên của ROX Group - đang sở hữu 49% cổ phần tại đây.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thành phố Công nghệ Xanh Hà Nội đang nắm gần 5% vốn MSB có người đại diện pháp luật là ông Phạm Ngọc Vũ, cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty Khu nghỉ Dưỡng Bãi Dài.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, MSB còn có sự góp mặt của một quỹ ngoại là Buenavista Holdings, hiện nắm hơn 2% vốn.

Ai đang nắm vốn lớn tại MB, Eximbank và VPBank?

Theo danh sách của Ngân hàng Quân đội (MB), tính đến ngày 15/7, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam và người liên quan đang nắm giữ tổng cộng hơn 1% vốn điều lệ ngân hàng. Ngoài ra, quỹ ngoại Pyn Elite Fund (NON-UCITS) cũng nắm giữ gần 2% vốn MB.

Đây là 2 cổ đông đầu tiên sở hữu từ 1% vốn trở lên khai báo. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cổ đông của MB phải công bố thông tin theo quy định mới.

Trước đó, theo thông tin trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, MB còn có 4 cổ đông lớn sở hữu hơn 44% vốn điều lệ (sau phát hành ESOP) gồm Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; Tổng công ty trực thăng Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Trước đó, Eximbank và VPBank cũng đã công bố danh sách cổ đông tổ chức nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Theo danh sách được Eximbank công bố, ngân hàng này có 5 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Đáng chú ý, CTCP Tập đoàn Gelex nắm gần 5% vốn; 2 cổ đông tổ chức khác là CTCP Chứng khoán VIX và CTCP Thắng Phương nắm giữ lần lượt gần 4% và hơn 3%.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gelex, từng là Phó chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX. Ông Tuấn rời VIX vào năm 2016, giữ vai trò điều hành tại Gelex sau đó. Sau khi ông Tuấn rời đi, chị gái ông là bà Nguyễn Thị Tuyết giữ vai trò Phó chủ tịch kiêm CEO Chứng khoán VIX và được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty cuối năm 2022. Đến tháng 2/2023, bà Tuyết xin từ nhiệm vị trí này.

Trong khi đó, CTCP Thắng Phương là cổ đông có liên quan tới nhóm Bamboo Capital và ông Nguyễn Hồ Nam, Thành viên HĐQT của Eximbank.

Còn tại VPBank, 4 cổ đông tổ chức nắm giữ từ 1% vốn trở lên là quỹ đầu tư chiến lược Sumitomo Mitsui BankingCorporation (15%), CTCP DIERACORP (hơn 4%), quỹ Composite Capital MasterFund LP (gần 3%) và quỹ Vietnam EnterpriseInvestments Limited (hơn 1%).

Trong đó, DIERACORP là doanh nghiệp có liên quan đến Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng. Hiện Chủ tịch VPBank và những người có liên quan đang nắm giữ tới gần 34% vốn ngân hàng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ sở hữu 13% công bố hồi cuối năm 2023.

Theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), từ ngày 1/7, bên cạnh việc yêu cầu cổ đông nắm từ 1% vốn ngân hàng trở lên phải công bố thông tin, Luật cũng mở rộng đối tượng thuộc nhóm người có liên quan phải công bố.

Theo đó, người có liên quan theo Luật mới đã được mở rộng hơn, gồm cả cha mẹ nuôi; cha dượng, mẹ kế; cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh, chị, em vợ; anh, chị, em chồng; anh, chị, em rể; anh, chị, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.

Ngoài ra, ông bà nội, ngoại; cháu nội, ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu và cháu ruột cũng thuộc diện người có liên quan theo Luật mới.

Đây là lý do tỷ lệ sở hữu của các lãnh đạo ngân hàng và người có liên quan theo quy định mới cao hơn so với tỷ lệ sở hữu các ngân hàng công bố trước đó.

Ngoài ra, Luật mới cũng quy định các pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là người có liên quan.

 Tác giả: Hồng Nhung

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến