Dòng sự kiện:
Các trái chủ 'ẩn danh' nào 'nguyện' rót 2.500 tỷ đồng cho ABBank?
16/06/2019 09:07:57
4 nhà băng đã "nguyện" rót 2.500 tỷ đồng cho ABBank, chỉ để hưởng mức lãi suất... tương đương (thậm chí thấp hơn) lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng, 1 năm mà chính họ đang công bố để huy động vốn từ dân cư.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) mới đây vừa đính chính thông tin về kết quả phát hành trái phiếu. Theo đó, ABBank đã thực hiện phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 25/4/2019 thay vì ngày 25/4/2018 như thông tin công bố trước đó.

Mặc dù có mức lãi suất kém hấp dẫn, ABBank vẫn thành công trong việc phát hành lô trái phiếu này. Kết quả phát hành cho thấy, đã có 4 nhà đầu tư tổ chức được ký hiệu là các Doanh nghiệp A, B, C, D đã thực hiện mua vào toàn bộ 2.500 tỷ đồng trái phiếu của ABBank. Danh sách các doanh nghiệp không được ABBank công bố.

Được biết, đây là số trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm có tổng giá trị phát hành là 2.500 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm. Mệnh giá một trái phiếu là 1 tỷ đồng.  Đơn vị tổ chức tư vấn phát hành và lưu ký trái phiếu cho thương vụ này là CTCP Chứng khoán An Bình (ABS).

Tuy không có tài sản đảm bảo nhưng mức lãi suất danh nghĩa áp dụng cho lô trái phiếu này cũng chỉ tương đương và có phần thấp hơn so với mức lãi suất huy động cùng thời kỳ đang được áp dụng của ABBank.Bên cạnh đó, số tiền lãi được thanh toán định kỳ vào ngày 25/4 hàng năm. Do đó, các trái chủ sẽ phải đợi đến ngày 25/4/2020 mới nhận được khoản lãi đầu tiên.

Lãi suất danh nghĩa/thực tế trong năm đầu tiên: 6,5%/năm và thả nổi trong các năm sau, được điều chỉnh 1 lần/năm và được xác định bằng bình quân lãi suất tiết kiệm Việt Nam đồng trả sau, kỳ hạn 12 tháng.

Được biết, nhiều ngân hàng lớn trong cuối năm 2018 và đầu năm 2019 đã liên tục phát hành trái phiếu. Mới đây nhất, HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã chấp thuận phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu lần 1 năm 2019; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở bán 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm nhằm thu về 4.000 tỷ đồng, mệnh giá trái phiếu là 10 triệu đồng/trái phiếu; hoặc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) huy động được 2.800 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát hành 550 tỷ đồng....

Theo  nguồn tin trên VietTimes, các trái chủ “ẩn danh” này khá bất ngờ khi A, B, C, D cũng là các ngân hàng, cụ thể là bộ tứ: Techcombank, MBBank, MSB và VIB.

4 nhà băng trên đã "tự nguyện" rót 2.500 tỷ đồng cho ABBank, chỉ để hưởng mức lãi suất... tương đương (thậm chí thấp hơn) lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng hay 1 năm mà chính họ đang công bố để huy động vốn từ dân cư và tổ chức. Nó chưa bao gồm các chi phí khác - như chi phí nhân công, chi phí hoạt động, phí bảo hiểm, chi phí từ việc thực hiện dự trữ bắt buộc,... - nên có nghĩa rằng, lợi tức trái phiếu mà họ sẽ hưởng nhiều khả năng còn thấp hơn cả giá vốn (?!).

Rõ ràng nếu sử dụng nguồn lực trên để cho vay hay đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì họ sẽ được lợi hơn hẳn - nếu thuần xét về lãi suất. Thế nhưng, các trái chủ này vẫn quyết định đầu tư - mà với kỳ hạn lên tới 3 năm!

Giả thuyết có lẽ nên đặt ra là, bên sắm vai nhà phát hành trái phiếu trong thương vụ vừa rồi - ABBank - có khi nào sẽ lại đảo vai làm trái chủ trong các thương vụ tương tự của Techcombank, MBBank, MSB và VIB (?). Hay nguồn lực ấy có khi nào lại có gốc từ chính ABBank (?).

Trong khi huy động vốn cấp 1 khó khăn, các ngân hàng đã và đang dịch chuyển sang huy động vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn đầu vào nhằm tăng nguồn tín dụng trung và dài hạn trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày càng siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nếu chỉ xét về lãi suất, trái phiếu ngân hàng luôn tỏ ra kém cạnh tranh hơn hẳn so với trái phiếu doanh nghiệp. Chưa kể trái phiếu của doanh nghiệp thường đi kèm với tài sản đảm bảo có giá trị lớn, được bảo lãnh thanh toán.

Thế nhưng, tất thảy các thương vụ phát hành trái phiếu ngân hàng công bố từ đầu năm 2019 tới nay đều "thông". Hầu hết nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các định chế tài chính, mà chủ yếu là các... ngân hàng bạn!

Tính đến hết năm 2018, vốn điều lệ ABBank giữ nguyên ở mức 5.319 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa ngân hàng chưa thực hiện phương án tăng vốn điều lệ được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Trước đó, các cổ đông ABBank đã chấp thuận phương án phát hành thêm gần 532 triệu cổ phiếu (tương đương vốn điều lệ ABBank sẽ tăng gấp đôi hiện tại).

Đáng chú ý, kế hoạch tăng vốn “dang dở” này cũng không được đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 vừa qua. Khi cổ đông chất vấn, lãnh đạo ABBank chỉ trả lời rằng, sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỉ lệ là 7,4%, qua đó tăng thêm vốn điều lệ.

Trong bối cảnh phương án tăng vốn điều lệ (từ năm 2018) chưa hoàn tất, không lạ khi Ngân hàng TMCP An Bình lựa chọn phương án phát hành trái phiếu nhằm cải thiện dòng tiền kinh doanh, cũng như đảm bảo quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% về còn 40%, áp dụng kể từ đầu năm 2019.

Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn có thể tạm thời sẽ giúp ABBank cũng như các nhà băng đã phát hành giải quyết được một số vấn đề cấp bách hiện tại, tuy nhiên trong tương lai sẽ phải đối mặt với không ít áp lực gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Trong đó có rủi ro về lãi suất, vì huy động vốn trung và dài hạn thì thường có lãi suất cao. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí vốn đầu vào tăng, khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng.  

Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng phải xác định phát hành trái phiếu chỉ là giải pháp mang tính "tình thế" ở hiện tại. Lượng vốn huy động này không rẻ và sẽ đáo hạn khi đến lúc, muốn cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo quy định về tiêu chuẩn Basel II, ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn cấp 1.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến