Dòng sự kiện:
Cách cổ phiếu NRC của Danh Khôi được 'phân phối'
16/09/2024 07:05:04
Sau những lần phát hành cổ phần tăng vốn, cơ cấu cổ đông Tập đoàn Danh Khôi đã được “pha loãng” đáng kể.

AGM năm 2023 và 2024 ghi nhận tỷ lệ cổ đông tham dự đạt từ 54-59% tổng số cổ phiếu biểu quyết, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó.

NRC đang giao dịch vùng giá thấp nhất kể từ khi niêm yết lên sàn HNX. Ảnh: Trọng Hiếu.

Chốt phiên giao dịch 12/9, cổ phiếu NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi lùi về mức 3.000 đồng/CP, giảm 37,5% so với số đầu năm. Trong bối cảnh lĩnh vực địa ốc vẫn còn khó khăn, đây là điều dễ hiểu. Không chỉ NRC, nhiều cổ phiếu trong nhóm môi giới bất động sản khác cũng giảm sâu như KHG (-16%), DXS (-23%), CRE (-18,5%).

Chào sàn HNX vào ngày 5/4/2018, cổ phiếu NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi thời điểm đó gây chú ý khi là số ít doanh nghiệp môi giới bất động sản thực hiện niêm yết lên sàn chứng khoán.

Đặc biệt, trong bối cảnh 2018 là năm khó khăn của thị trường (VN-Index và HNX-Index giảm lần lượt 10% và 10,8%), thì NRC lại gây ấn tượng khi tăng đến gần 50% (tính tới cuối năm 2018, theo giá điều chỉnh). Đà tăng tiếp tục kéo qua năm 2019 trước khi cổ phiếu NRC giao dịch ổn định quanh mức trên 15.000 đồng/CP. Thanh khoản giai đoạn này đã xuất hiện những phiên có hàng trăm nghìn cổ phiếu được khớp lệnh.

Tháng 2/2019, Tập đoàn Danh Khôi công bố kế hoạch phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Toàn bộ số cổ phần cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế. Đến tháng 4/2019, đợt chào bán hoàn thành, vốn điều lệ công ty tăng từ 150 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng.

Trước khi hoàn thành đợt phát hành kể trên, Danh Khôi cũng chào bán riêng lẻ thành công 2,4 triệu cổ phiếu, giá bán 23.800 đồng/CP cho nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là Sanei Architecture Planning Co.,Ltd. Sau giao dịch, nhà đầu tư Nhật này nắm 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn NRC. Lô cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Đáng chú ý, toàn bộ số tiền thu được (96 tỷ đồng) được Danh Khôi sử dụng để thanh toán một phần tiền nhận chuyển nhượng một phần của dự án Khu nhà ở phía Đông rạch Thủ Lựu tại Phường Long Toàn, TP. Bà Rịa. Bên chuyển nhượng là CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings – pháp nhân liên quan đến Tập đoàn Danh Khôi.

Cuối năm 2019, Danh Khôi đã ứng trước cho Danh Khôi Holdings 150 tỷ đồng tiền chuyển nhượng dự án. Dù vậy, Danh Khôi cho biết phía Tập đoàn và Danh Khôi Holdings đã thực hiện việc thanh lý hợp đồng nhận chuyển nhượng vào ngày 8/11/2023. Vào cuối quý II/2024, công ty đã thu hồi toàn bộ khoản trả trước này (số dư tại ngày 30/6/2024 là 181,4 tỷ đồng).

Dữ liệu cho thấy từ lúc công bố đến khi hoàn thành đợt phát hành, cổ phiếu NRC đã có nhịp tăng mạnh và đạt vùng giá cao nhất năm 2019 ở mức 19.420 đồng/CP tại phiên 12/3/2019, trước khi liên tục giảm sâu trong gần như cả năm này. Tháng 11/2019, sau khi lô 9 triệu cổ phiếu phát hành bổ sung được niêm yết chính thức, cổ phiếu NRC tiếp tục đà giảm mạnh và giao dịch mức thấp nhất cả năm 2019 là 6.830 đồng/CP ở phiên 25/12/2019.

Trong các năm 2020 và 2021, với ảnh hưởng chung tích cực của TTCK, NRC cũng tăng mạnh và đạt đỉnh vùng giá 31.810 đồng/CP tại phiên 18/11/2021 - mức giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt được kể từ khi chào sàn HNX, trước khi tiếp tục giảm sâu về vùng giá hiện tại (3.000 đồng/CP). Diễn biến giao dịch tích cực này cũng gắn với một đợt phát hành tăng vốn của NRC.

Ảnh: Khánh An

Cụ thể, công ty vào tháng 3/2021 đã huy động thành công 500 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/CP. Lô cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và 50% hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm kể từ thời điểm hoàn thành đợt chào bán.

3 nhà đầu tư tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ là CTCP Đầu tư Bất động sản Danh Khôi Sài Gòn (6,2 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 7,73%); bà Hà Thị Kim Thanh (23,8 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 29,68%); và Đào Thị Bạch Phượng (20 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 24,94%).

Bên mua hầu hết là những cái tên liên hệ tới chính Tập đoàn Danh Khôi. Theo đó, Danh Khôi Sài Gòn (nay là CTCP Đầu tư Pixi), được thành lập vào giữa năm 2014 với ông Lê Thống Nhất là cổ đông sáng lập góp 30% vốn cùng 4 cá nhân khác.

Dù vậy, cập nhật tại thời điểm tháng 11/2020, ông Nguyễn Kim Long và bà Nguyễn Thị Anh Thư nắm 99,86% vốn Danh Khôi Sài Gòn. Ông Long cũng đồng thời là Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật công ty.

Đáng chú ý, ông Long – bà Anh Thư cũng nắm cổ phần tại CTCP Bất động sản CDK, Công ty TNHH Bất động sản GDK, CTCP Bất động sản BDK, và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Tân Tiến.

Tương tự, 2 cá nhân Hà Thị Kim Thanh và Đào Thị Bạch Phượng cũng sở hữu vốn tại loạt doanh nghiệp.

Theo đó, bà Hà Thị Kim Thanh cùng ông Nguyễn Đình Dũng (cùng hộ khẩu thường trú) nắm vốn (hoặc từng) ở CTCP Bất động sản LDK, CTCP Đầu tư Bất động sản NTR, Công ty TNHH Bất động sản IDK, CTCP Bất động sản ADK.

Tương tự, bà Đào Thị Bạch Phượng cùng ông Nguyễn Đình Trí (cùng hộ khẩu thường trú) sở hữu vốn của CTCP Đầu tư Bất động sản NTR, Công ty TNHH Bất động sản EDK.

Không khó để nhận ra nhiều pháp nhân kể trên đều ít nhiều có sự liên hệ với chính Tập đoàn Danh Khôi.

Mặt khác, kể từ khi lượng cổ phiếu NRC phát hành riêng lẻ kể trên hết thời gian hạn chế giao dịch, cả 3 cổ đông chiến lược kể trên đều liên tục bán ra cổ phiếu. Cho đến tháng 12/2023, Pixi và bà Đào Thị Bạch Phương đều không còn là cổ đông lớn công ty.

Đáng chú ý, tính đến cuối quý II/2023, công ty cũng chỉ còn duy nhất cổ đông lớn là bà Hà Thị Kim Thanh (sở hữu 15,43% vốn). Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Lê Thống Nhất và vợ là bà Nguyễn Ngọc Thủy chỉ nắm lần lượt 2,92% và 1,75% vốn NRC.

Cơ cấu cổ đông Tập đoàn Danh Khôi pha loãng thế nào?

Sau giai đoạn liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn và phân phối cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, số lượng cổ đông ở NRC ghi nhận tăng gấp vài lần. Tuy vậy, tỷ lệ sở hữu các cổ đông tham gia AGM các năm lại liên tục sụt giảm.


Ảnh: Khánh An.

Thông thường, tham dự ĐHĐCĐ là cổ đông lớn, cổ đông chi phối, ít có sự hiện diện của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do vậy, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ là một tiêu chí quan trọng để đo lường mức độ pha loãng trong cơ cấu sở hữu của một doanh nghiệp đại chúng.

Có thể thấy, tỷ lệ cổ đông tham dự AGM của NRC giảm nhanh kể từ AGM năm 2023, trong khi ở AGM trong các năm 2018 – 2022 luôn duy trì tỷ lệ đạt dao động từ 82,21% - 93,13%. Đáng chú ý, AGM 2023 ghi nhận 129 cổ đông tham dự đại diện 59,45% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tại AGM năm 2024, tỷ lệ này tiếp tục giảm về 54,354% với 78 cổ đông dự họp.

Tác giả: Khánh An

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến