Dòng sự kiện:
Cách mạng tháng Tám 1945 ở Sài Gòn và Nam bộ
26/08/2014 09:30:19
Chiến tranh Thế giới II do phát-xít Đức gây ra bắt đầu năm 1939. Tuy thời cơ chưa chín muồi nhưng Đảng bộ Nam kỳ đã phát động khởi nghĩa năm 1940. Sau Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, cách mạng bị thực dân Pháp khủng bố rất dã man. Lực lượng cách mạng thiệt hại nặng nề.
Trước tình hình đó, Bí thư Xứ ủy Nam bộ Trần Văn Giàu, sau khi vượt ngục Tà-Lài năm 1941, cùng nhiều đồng chí cốt cán ra sức truyên truyền, củng cố lòng tin vào sự tất thắng của cách mạng, vận động thành lập lại Xứ ủy lâm thời, tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Năm 1943, một số Ban cán sự, Tỉnh ủy ở Nam bộ đã dần dần được gầy dựng lại.

Sau trận Stalingrát thắng lợi của Hồng quân Liên Xô cuối 1942 tình hình thế giới phát triển theo chiều hướng bất lợi cho phe phát-xít Đức - Nhật.

Khi quân Đồng Minh chiếm Philippines năm 1945 đe dọa đổ bộ vào Đông Dương, Nhật phải đảo chánh Pháp, lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim... để tránh nguy cơ bị đánh sau lưng. Cuộc đảo chánh của Nhật ngày 9-3-1945 tạo ra một tình thế đặc biệt. Mặc dù chưa liên lạc được Trung ương và thực lực cách mạng còn yếu, nhưng trong tình thế cấp bách, Xứ ủy Nam bộ đã sáng tạo, vừa vận dụng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (1939) xác định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, vừa xây dựng cấp tốc một “Đạo quân chính trị”. Từ ý đồ chính trị của Nhật, Xứ ủy Nam bộ đã “tương kế tựu kế”, đưa cán bộ Đảng vào nắm tổ chức Thanh niên Tiền Phong. Thanh niên Tiền Phong trở thành lực lượng xung kích cướp chính quyền khi thời cơ đến. Từ tháng 5 đến tháng 7-1945, ở Nam bộ diễn ra tình thế sôi sục tiền khởi nghĩa. Thanh niên ca hát những bài hát lịch sử của nhóm Hoàng Mai Lưu khơi động lòng yêu nước, tự hào dân tộc, như bài Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Trưng nữ vương, Người xưa đâu tá? Thanh niên hành khúc, Khúc khải hoàn, Lên đàng...

Thanh niên Tiền Phong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến

Phát-xít Đức đầu hàng Đồng Minh ngày 2-5-1945. Quân Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945. Lệnh tổng khởi nghĩa từ Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16-8-1945 được truyền đi toàn quốc. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội ngày 19-8-1945; ở Huế ngày 23-8. Ở Nam bộ, Xứ ủy đã họp phiên đặc biệt ngày 15-8, xác định nhiệm vụ cấp bách là khởi nghĩa giành chính quyền. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 còn khá nặng nề, nên trong hội nghị vẫn có xu hướng chần chừ. Phải đến ba lần hội nghị ở Chợ Đệm thì mới thống nhất quyết tâm tiến hành khởi nghĩa. Đêm 24 rạng 25-8-1945, các lực lượng xung kích của công nhân, Thanh niên Tiền Phong đã chiếm lĩnh tất cả các nơi xung yếu của Sài Gòn, bắt sống viên Khâm sai Nguyễn Văn Sâm của chính phủ Trần Trọng Kim ngay tại Dinh Thống đốc Nam kỳ (nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Các tỉnh Nam bộ cũng giành chính quyền gần như đồng thời với Sài Gòn. Cách mạng đã tiến hành từ bên trong của chế độ và đã giành được thắng lợi trong khi Nhật còn đến hơn 7 vạn quân tại đây. Hôm sau, ngày 25-8-1945, cuộc biểu dương lực lượng của hơn một triệu nhân dân Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ đã thể hiện khí thế áp đảo tuyệt đối của cách mạng. Cách mạng tháng Tám 1945 đã thành công trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 2-9-1945, cuộc diễu hành vĩ đại của nhân dân mừng độc lập, đã khẳng định lời thề: “Độc lập hay là chết” của nhân dân Nam bộ quyết cùng cả nước “Đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ nền độc lập” vừa giành được.

Nhưng nhân dân Nam bộ chỉ được hưởng độc lập có 28 ngày. Đêm 22 rạng 23-9, quân Pháp được sự trợ giúp của quân Anh, đã tiến công và chiếm giữ những cơ sở quan trọng của chính quyền cách mạng ở trung tâm Sài Gòn. Cuộc kháng chiến bắt đầu từ Nam bộ.

Toàn quốc cũng bước vào kháng chiến từ 19-12-1946. Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm. Rồi tiếp sau đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, cho đến ngày nhân dân ta giành toàn thắng 30-4-1975. Cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ diễn ra suốt 30 năm với biết bao thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau chiến đấu để giữ trọn lời thề độc lập năm 1945.

Bài học về Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn và Nam bộ trong phạm vi bài này chỉ xin đi sâu vào việc nhân dân ta đã nối tiếp giá trị tinh thần truyền thống dân tộc như thế nào?

Trước hết, Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám là đặc điểm nổi bật đầu tiên trong giá trị tinh thần truyền thống dân tộc được nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc, dân tộc bị ngoại bang xâm lược, nô dịch. Chúng ta nói Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với nội hàm là nói đến một hệ thống tư tưởng yêu nước, từ tinh thần xả thân vì nghĩa lớn, đến ý chí kiên cường bất khuất, lòng tin sâu sắc vào sức mạnh tiềm tàng dân tộc, tin vào chính nghĩa nhất định cuối cùng sẽ thắng lợi.

Hai là, trong đấu tranh với thế lực thù địch, ngoài yếu tố dũng cảm, không ngại hy sinh, thì nhân tố nổi bật là bản lĩnh, trí tuệ, tức sự nhạy bén, sáng tạo trong ứng xử trước vận mệnh đất nước và nhất là kịp nắm bắt thời cơ khi tình thế đã chín muồi. Nếu chỉ có lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm thì không thể thắng kẻ địch mạnh hơn ta gấp bội.

Ba là, Chủ nghĩa anh hùng Việt Nam. Chủ nghĩa anh hùng xuất phát từ Chủ nghĩa yêu nước, đã sản sinh những gương xuất sắc trong đấu tranh chống địch. Cách mạng tháng Tám là môi trường tốt nhất cho sự xuất hiện những tấm gương anh hùng cách mạng.

Bốn là, truyền thống đoàn kết, “trên dưới một lòng”. Khối đoàn kết toàn dân được xây dựng trên tinh thần “trên dưới một lòng” là truyền thống rất quý, giúp chúng ta phản bác lại luận điệu của kẻ xấu, của địch hiện đang ra sức tìm cách xuyên tạc sự thật, gieo rắc hoài nghi, chia rẽ khối đoàn kết, hòng làm giảm sức đề kháng của dân tộc trước ý đồ xâm lược của chúng.

Những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc hình thành từ nhiều ngàn năm lịch sử, đã được nối tiếp, nâng cao trong đấu tranh cách mạng mà mỗi người Việt Nam đều có quyền tự hào; và hiện nay đang là động lực và mục tiêu cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, biển, đảo của chúng ta.

NGUYỄN TRỌNG XUẤT,

(Tổng thư ký công trình “Lịch sử Nam bộ kháng chiến”)

Theo Congan.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến