Dòng sự kiện:
Cách nào để phát triển thị trường vốn?
03/09/2018 15:05:55
Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường vốn – tài chính, Chính phủ cần phát triển mạnh thị trường chứng khoán tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường vốn – tài chính, Chính phủ cần phát triển mạnh thị trường chứng khoán tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ để ra đời các quỹ đầu tư, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội.

Mất cân bằng

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, thị trường vốn - tài chính Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững và chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Việc huy động và phân bổ vốn đầu tư trung và dài hạn vẫn dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng thương mại. Sự tham gia của các định chế phi ngân hàng trong nền kinh tế chưa được như mong muốn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu ổn định, nhất là trong bối cảnh vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, nợ xấu và hạn chế trong quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, quy mô thị trường chứng khoán tăng nhanh nhưng không ổn định, vẫn chưa trở thành kênh cấp vốn quan trọng nhất cho khu vực doanh nghiệp. Việc tín dụng ngân hàng đã và đang giữ vai trò quan trọng, chủ đạo, mặc dù thị trường chứng khoán và các thể chế phi ngân hàng có nỗ lực để phát triển tạo ra sự mất cân bằng của thị trường vốn. Chính vì thị trường vốn còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận vốn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải dùng “tín dụng đen” trong kinh doanh.

Những hạn chế của thị trường vốn - tài chính cũng đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Diễn đàn Thị trường vốn – tài chính vừa diễn ra. Theo đó, khẳng định nền kinh tế đang trong tình trạng “vốn mỏng”, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là từ vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính rất cao dẫn tới nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ngay cả các ngân hàng là đơn vị cung ứng vốn cho nền kinh tế cũng trong tình trạng này.

Liên quan đến các kênh dẫn vốn, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những năm gần đây, thị trường chứng khoán có nhiều điểm đột phá, vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trên 70% GDP. Với thị trường tiền tệ, tính chung, tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 130%. Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho biết quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang thấp, chỉ chiếm 1,25%, trong khi quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu.

Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn nên nhu cầu vốn vay trung dài hạn rất lớn, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng. Với nguồn vốn hiện tại, khẳng định tỷ trọng vốn ngắn hạn đã cải thiện nhiều so với 5-6 năm trước, song đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tỷ trọng vốn ngắn hạn hiện đang chiếm 70%. Điều này cho thấy áp lực cho vay trung, dài hạn cho nền kinh tế vẫn lớn và các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn.

Nói về nguyên nhân, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết có ba lý do: Thứ nhất là sự phát triển của thị trường phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của đất nước khi chuyển từ thời kỳ bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Thứ hai đến từ nhận thức xã hội. Thứ ba là chưa có nền tảng để phát triển, cụ thể là các kế hoạch, hoạch định chiến lược phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư

Đề xuất các giải pháp nhằm mở rộng vốn dài hạn cho Việt Nam, ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, một trong những vấn đề cần chú ý tập trung giải quyết nhiều hơn trong thời gian tới là thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam. Đây là thị trường còn nhiều khả năng tăng trưởng và phần lớn tăng trưởng thể hiện ở thị trường tư nhân. Bên cạnh đó, ông Ketut Kusuma nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để người dân yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng..., và “khi huy động được nguồn vốn này một cách hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế”.

Để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, ông Ketut Kusuma khuyến nghị “cần tăng cường tính minh bạch trong thông tin, tiếp tục công cuộc cải cách thị trường trái phiếu Chính phủ, thúc đẩy hệ thống đầu tư tư nhân mở rộng quỹ đầu tư hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu rộng rãi trong công chúng, mở rộng quy mô của các quỹ nhà nước, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ lương hưu”.

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia khác đến từ Ngân hàng Thế giới, ông Alatabani Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam cho biết hiện nay ước tính Việt Nam còn khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân. Đây là tiềm năng phát triển kinh tế lớn cần tận dụng và khai thác để có thể có thêm nguồn vốn lớn cho đầu tư dài hạn. Muốn vậy, phải tạo ra được môi trường đầu tư tốt, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán của Việt Nam phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển thị trường vốn của Việt Nam thì ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực là quyết định. Do đó, huy động được nguồn lực của các nhà đầu tư tư nhân trong nước có vai trò rất quan trọng. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, trước đây, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào vốn ODA và FDI nhưng những năm gần đây, vai trò của nội lực ngày càng thể hiện rõ nét, đặc biệt là trong bối cảnh vốn ODA trong thời gian tới sẽ giảm.

Thị trường vốn cần có chính sách để cân bằng thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, vấn đề ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng là phát triển nhà đầu tư cá nhân. Để phát triển, Việt Nam phải phát triển các loại quỹ, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Theo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến