Dòng sự kiện:
Cách nào để thanh khoản tăng bền trên thị trường chứng khoán
17/07/2020 16:19:23
Với nhà đầu tư trong nước, mong mỏi lớn nhất là được giao dịch T+0 để tăng thanh khoản, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến tới hoàn thành mục tiêu “phủ sóng chứng khoán” đến 3% dân số, tương đương với gần 3 triệu tài khoản trong năm 2020. 

Nửa đầu năm 2020, thanh khoản toàn thị trường chứng khoán bình quân/phiên tăng 24,5% so với cùng kỳ, đạt 5.695 tỷ đồng/phiên. Đóng góp vào mức tăng của thanh khoản là một lượng lớn tài khoản mở mới kể từ tháng 3 đến tháng 6/2020 và các quỹ  ETF mới thành lập, góp sức thu hút dòng tiền từ khối ngoại.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước mở mới 35.046 tài khoản chứng khoán trong tháng 6/2020, trong đó có 34.965 tài khoản cá nhân và 81 tài khoản tổ chức. Lũy kế tới hết tháng 6/2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,54 triệu tài khoản.

Tháng 6 cũng là tháng thứ 4 liên tiếp thị trường ghi nhận số lượng tài khoản mở mới ở mức trên 30.000. 

Chỉ tính trong 4 tháng gần nhất, các nhà đầu tư nội đã mở mới 137.753 tài khoản chứng khoán, tương đương 73% số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong cả năm 2019. Với tốc độ này, số lượng tài khoản có thể đạt đến mục tiêu 3 triệu vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người đặt câu hỏi là tốc độ tăng số lượng tài khoản không tỷ lệ với tăng thanh khoản trên thị trường.

Sau khi hồi phục tốt từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh.

Nửa đầu tháng 7, thanh khoản toàn thị trường tiếp tục giảm mạnh, hiện đang giao dịch bình quân ở mức hơn 4.500 tỷ đồng/phiên. Một số quan điểm cho rằng, dòng tiền đang co cụm và chọn cách dần đứng ngoài thị trường.

Việc lựa chọn này, nếu có, cũng là hợp lý khi hiện nay, thị trường luôn đối mặt với rủi ro điều chỉnh và tình trạng phân hóa ngày càng rõ nét hơn giữa các nhóm cổ phiếu. Tâm lý của nhà đầu tư còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất thường, tiêu cực như làn sóng Covid-19 quay trở lại ở một số nước, bất ổn xã hội, tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng…

Cùng với đó, dòng tiền còn bị xáo trộn khi các doanh nghiệp lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 với những gam màu khác biệt.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, dù luôn phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng dư địa phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất rộng.

Để đạt các mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán giai đoạn 2020-2025, Chính phủ, ngành chứng khoán có nhiều giải pháp, nhưng cần thêm những yếu tố đổi mới mang tính đột phá về cơ chế, chính sách và sản phẩm giao dịch.

Trong đó, cần sớm có những giải pháp thúc đẩy người dân tham gia đầu tư và thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc nâng cấp hệ thống/cơ chế thanh toán bù trừ và đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường.

Để thu hút nhà đầu tư, cần hiểu nhu cầu của họ. Với nhà đầu tư nước ngoài, mong mỏi lớn nhất là Chính phủ cần có quy định mới về tỷ lệ sở hữu tối đa của vốn ngoại tại doanh nghiệp Việt Nam.

Với nhà đầu tư trong nước, mong mỏi lớn nhất là được giao dịch T+0 để tăng thanh khoản, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nếu nhà đầu tư được đặt vào vị trí trung tâm của các giải pháp phát triển thị trường, chắc chắn sức cầu sẽ có sự cải thiện mạnh, giúp thanh khoản không trồi sụt theo sự lên, xuống của tâm lý đầu tư.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến