Dòng sự kiện:
'Cái bóng' dai dẳng DongABank và khoản tiền 395 tỷ đồng bị 'chôn' của PNJ
30/04/2019 20:01:41
Nói là không còn liên quan đến DongABank nhưng PNJ sẽ làm thế nào với khoản tiền hơn 395 tỷ đồng đang bị "chôn" tại đây?

Khoản tiền lớn bị "mắc kẹt"...

Báo cáo quý I/2019, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã cho biết về những rủi do mà họ gặp phải trong hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý là khoản trích lập dự phòng 100% đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) với số tiền hơn 395 tỷ đồng. Được biết, số tiền vẫn “mắc kẹt” do nhà băng này bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt.

Trước đó, năm 2015, trong báo cáo quý III, PNJ cho biết đã trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tính toán, PNJ tiếp tục nâng khoản trích lập dự phòng vào DongABank lên tới 141 tỷ đồng. Động thái này làm cho lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 107 tỷ đồng, tương đương 26% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng chú ý, khi chưa thể thu về số tiền đầu tư trên, PNJ tiếp tục đầu tư vào DongABank (2017) và làm tổng vốn lên tới hơn 395 tỷ đồng. Khoản đầu tư này gấp 1,7 lần lợi nhuận sau thuế quý IV/2018 của PNJ.

Như vậy, từ năm 2015 (thời điểm DongABank bị NHNN kiểm soát đặc biệt), số tiền PNJ đầu tư vào nhà băng này hoàn toàn “mắc kẹt”. Cổ phiếu của nhà băng này cũng không được phép chuyển nhượng nên PNJ đã trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản đầu tư nói trên.

Trả lời các cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên 2019 Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongABank) mới đây cho biết, PNJ không có liên quan gì đến DongABank, nếu PNJ có liên quan thì công ty đã không có được thành quả như hôm nay, tăng trưởng 2,3 lần trong những năm qua. Thanh tra vào kiểm tra PNJ rồi, nếu có vấn đề sẽ có trong bản thanh tra của ngân hàng. 

Đáng lưu ý, trong tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, một trong những thông tin đáng chú ý là khoản tiền khen thưởng - phúc lợi cho người lao động.

Cụ thể, theo tờ trình về việc phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ năm 2018, PNJ đã chi gần 48 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng - quỹ phúc lợi người lao động. Với 6.018 người lao động đang làm việc ở PNJ tại thời điểm cuối năm 2018, trung bình mỗi người sẽ nhận được gần 8 triệu đồng tiền thưởng.

Tổng quỹ thưởng cho dàn lãnh đạo PNJ bằng 60% tiền thưởng và phúc lợi của toàn bộ nhân viên trong công ty. 

Trong khi đó, khoản tiền thưởng cho ban quản trị (HĐQT và Ban điều hành) là 28,7 tỷ đồng. Với 18 người trong HĐQT và Ban điều hành, trung bình mỗi "sếp" nhận 1,56 tỷ đồng tiền thưởng trong năm 2018.  Như vậy, tổng quỹ thưởng cho dàn lãnh đạo PNJ bằng 60% tiền thưởng và phúc lợi của toàn bộ nhân viên trong công ty. Con số chênh lệch này là khá lớn.

Cũng cần nói thêm, PNJ vốn nổi tiếng mạnh tay chi trả lương thưởng cho các lãnh đạo. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ nhiều năm qua được biết đến với tư cách lãnh đạo “lương bạc tỷ”. Vì vậy, không quá khó hiểu khi thu nhập giữa sếp và nhân viên lại chênh lệch như vậy.

Điều đáng nói, ngoài tiền thưởng, các sếp PNJ còn được trả lương "khủng". Dù chưa có bảng lương cụ thể nhưng thông tin trong báo cáo tài chính sau kiểm toán 2018 cho thấy, trong năm 2018, nhân sự quản lý chủ chốt được trả lương cao kỷ lục, 36 tỷ đồng, tăng mạnh so với 22 tỷ đồng năm 2017.

... và "cái bóng" DongABank

Mối quan hệ của DongABank và PNJ còn thể hiện ở các khoản vay và dùng khoản đầu tư cổ phiếu vào DongABank làm tài sản thế chấp cho nhiều khoản vay của PNJ.  Vì có mối quan hệ là vợ chồng, nên sự thất bại của ông Trần Phương Bình từ việc tìm người kế nhiệm cho đến việc DongABank bị kiểm soát đặc biệt như một cái bóng ảm ảnh PNJ.

Sau nhiều năm song hành mật thiết cùng nhau, bất ngờ đến năm 2015, DongABank trở thành cú sốc ảnh hưởng lớn vào chính kết quả kinh doanh của PNJ khi Ngân hàng Nhà nước công bố kiểm soát đặc biệt. Trước đó PNJ công bố báo cáo quý II/2015 tự lập với khoản trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau soát xét, PNJ đã tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongABank, nâng số dư khoản trích lập dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn tại PNJ từ 55 tỷ lên 141 tỷ đồng, làm tăng chi phí tài chính trong kỳ và kéo giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất tụt xuống còn 107 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính riêng quý III/2017 cho thấy, khoản đầu tư này hiện đã được PNJ trích lập dự phòng 100%. Con số này cao gấp 3 lần lợi nhuận sau thuế quý III/2017 của PNJ.

Do bị đưa vào đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nên cổ phiếu DAF của DongABank không còn sinh lời, cổ đông cũng không thể mua bán, chuyển nhượng được.

Khi DongA Bank ra đời, PNJ đã hoạt động được 4 năm. DongABank ra đời và hoạt động trên nền tảng của các công ty trực thuộc ban tài chính của UBND TP. HCM và quận Phú Nhuận. Tại thời điểm cuối năm 2012, Văn phòng Thành ủy TP. HCM và 2 công ty liên quan sở hữu 12,47% cổ phần DongABank, trong đó Văn phòng Thành ủy TP. HCM là cổ đông lớn nhất sở hữu 6,87% cổ phần ngân hàng này.

Đến nay, theo công bố thông tin sở hữu, với tỷ lệ sở hữu tổng cộng 12,73%, ông Phan Văn Anh Vũ (được biết đến với tên gọi Vũ ''nhôm'') và Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (ông Vũ là người đại diện phần vốn góp này) là nhóm cổ đông lớn nhất của DongA Bank, xếp trên Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (7,7%) và Văn phòng Thành uỷ TP. HCM (6,87%). Ông Vũ đã bị bắt vì tội làm lộ bí mật Nhà nước.

Ngoài 7,7% vốn do PNJ nắm giữ, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần tại nhà bằng này.

PNJ và cái bóng DongABank - Ảnh 2.
 

Hiện tại, PNJ chỉ còn duy trì 2 công ty con, liên quan đến ngành trang sức là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thời trang CAO và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Giám định PNJ (PNJLab). Đối với những khoản đầu tư ngoài ngành, công ty đã bán lại hoặc dự phòng đầy đủ.

Sau 29 năm hình thành và phát triển, chủ tịch và tổng giám đốc vẫn chỉ là một người duy nhất là bà Cao Thị Ngọc Dung. Dù vẫn phát triển, nhưng PNJ cần một động lực mới từ người điều hành và quan trọng hơn, cần phải thoát khỏi "cái bóng" của DongABank. Bất cứ một thay thế nào cũng khó lấp đầy chỗ trống. Đây có thể xem là áp lực rất lớn cho lớp kế thừa trẻ như ông Lê Trí Thông - người vừa được bổ nhiệm vào chiếc ghế CEO.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến